Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hơn 90 học sinh “quên” trở lại trường

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, đã có 94 học sinh (HS) ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông bỏ học. Nâng tổng số HS bỏ học trong học kỳ I năm học 2015-2016 lên 539 em (trong đó: THPT – 304 em, THCS – 209 em…). Đây là những con số đáng báo động…

Lớp học còn nhiều chỗ trống tại Trường THPT A Túc

Có mặt tại lớp 10 B2, Trường THPT A Túc, xã A Túc, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) vào giữa buổi học, không khó để nhận ra sự thiếu vắng của nhiều HS trong lớp. Những chiếc bàn trống vẫn đang khắc khoải chờ… HS. Tính riêng những ngày sau Tết, lớp có hơn 10 HS bỏ học. Đó chỉ là một trong nhiều lớp có HS bỏ học tại ngôi trường này. Thống kê cho thấy, toàn trường có 39 HS bỏ học sau Tết, chiếm tỷ lệ 12%. Bên cạnh đó, Trường THPT Đakrông và THPT Đakrông 2 (huyện Đakrông) có 20 đến 30 HS bỏ học.

Nguyên nhân HS bỏ học ngày càng tăng cao một phần do đời sống kinh tế khó khăn, đường sá đi lại từ nhà đến trường khá xa, phần khác do các bậc phụ huynh không mấy mặn mà trong việc cho con đến trường học chữ để có tương lai tươi sáng. Nói về việc nghỉ học sau Tết, em Hồ Văn Nói – lớp 10 B2, Trường THPT A Túc buồn buồn: “Dưới em còn hai em quá nhỏ, nên em nghỉ học ở nhà để lên rẫy làm việc giúp bố mẹ”. Bà Hồ Thị Lài – một phụ huynh có con bỏ học ở xã A Xing, huyện Hướng Hóa – cũng cho biết: “Tôi bị đau thường xuyên, nhà còn mỗi mình nó có thể đi làm kiếm sống nên nó phải nghỉ học thôi”. 

Thầy Hoàng Ngọc Tú – giáo viên Trường THPT A Túc – trăn trở: “Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều trong việc vận động HS trở lại trường, nhưng khi giáo viên đến thì không gặp được, hoặc các em bỏ trốn hoặc gia đình các em từ chối gặp mặt…”. 

Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Thắm – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị – nói: “Việc HS bỏ học, chậm trở lại trường sau Tết, năm nào cũng xảy ra ở các huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Ngành giáo dục tỉnh đã có nhiều giải pháp tuyên truyền động viên, đề nghị nhà trường và giáo viên kèm cặp giúp đỡ các em, phối hợp với gia đình vận động các em đi học. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chế độ ưu đãi giúp cho con em đồng bào dân tộc. Thế nhưng để ngăn chặn triệt để tình trạng này, ngoài sự chung tay của ngành, của chính quyền địa phương, rất cần sự phối hợp của các bậc phụ huynh trong việc đưa con em tới trường”.

Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng HS bỏ học? Thiết nghĩ, cần có sự tuyên truyền vận động sâu hơn từ các cấp chính quyền, từ ngành giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của chính các bậc phụ huynh cũng như các em HS. Một khi ý thức về học chữ được thay đổi thì tương lai của chính con em họ mới có thể tươi sáng hơn…

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)