Bà Liên cẩn thận xếp từng đôi guốc |
Dáng người nhỏ nhắn nhưng với đôi bàn tay thoăn thoắt đóng từng chiếc quai guốc, miếng đế cao su thì không ai nghĩ rằng bà đã ngoài 70 tuổi với hơn 50 năm làm nghề bán guốc mộc tại chợ Bến Thành TP.HCM.
Nét xưa của Sài Gòn
Giữa những sạp hàng bày bán đủ các mặt hàng sẽ không khó để có thể tìm thấy một sạp rộng chừng 1,5m2 treo đủ các loại guốc mộc từ người lớn đến trẻ em. Trong vai người khách đến mua hàng chúng tôi đã tận mắt chứng kiến đôi tay gầy gò, xương xẩu đã điểm những nếp nhăn nhẹ nhàng, cẩn thận đóng những chiếc quai guốc vào thân guốc trông thật tinh tế. Đó là bà Nguyễn Thị Liên (70 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đã gắn bó với nghề, với chợ hơn 50 năm. Giọng nói trầm ấm, cởi mở bà vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi: “Bố mẹ tôi là người Bắc thuộc tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội), nhưng sau đó chuyển vào trong này làm ăn, sinh sống. Nhà tôi lúc đó rất nghèo nên tôi phải theo cô ra chợ bán guốc từ khi 18 tuổi. Sau khi cô mất thì để lại cho tôi sạp này rồi tôi gắn bó với nó cho đến tận bây giờ”. Bà cũng không nhớ mình đã đóng bao nhiêu đôi guốc cho khách nữa nhưng đối với bà tự tay đóng guốc là niềm vui nên bà làm rất cẩn thận. Bà chia sẻ: “Tôi sống có một mình nên ngày nào mà không ra chợ từ sớm là thấy bứt rứt, khó chịu trong người và cảm thấy như cuộc sống thiếu vắng một cái gì đó rất quan trọng. Đối với tôi, bán guốc mộc không chỉ là một nghề để kiếm sống mà nó còn là niềm vui không thể thiếu”. Tình yêu với những đôi guốc là động lực để bà sống có trách nhiệm hơn với bản thân mình. Mỗi đôi guốc đều có những hình ảnh rất riêng, rất đặc trưng không chỉ của Sài Gòn xưa mà thêm vào đó là những nét hiện đại, năng động của Sài Gòn nay. Có những đôi được thiết kế rất đơn giản chỉ là thân guốc và trên đó có ghi chữ “Sài Gòn” như để quảng bá đây là guốc ở Sài Gòn và một thời nó được ưa chuộng, sử dụng rộng rãi. Ánh mắt đượm buồn nhìn những đôi guốc đang đóng dang dở bà chia sẻ: “Ngày nay người ta đã lãng quên, người sử dụng ngày càng ít đi nhưng tôi vẫn bán ở đây cho đến khi nào không làm được nữa như để lưu giữ nét đẹp một thời của Sài Gòn xưa, cái thời mà tôi đã từng sống”.
Trăn trở với nghề
Guốc mộc như là một minh chứng để lưu giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc nhưng ngày nay nó dần bị quên lãng bởi sự xuất hiện của nhiều mặt hàng có thương hiệu, chất lượng. |
Sạp guốc mộc của bà Liên có đủ loại, đủ kích cỡ, màu sắc để khách hàng dễ lựa chọn. Những đôi guốc này chủ yếu làm từ gỗ xoan và gỗ thông, giá mỗi đôi cũng chỉ dao động từ 80-150 ngàn đồng. Bà chia sẻ: “Bây giờ mỗi ngày chỉ bán được 1, 2 đôi thậm chí có những ngày không bán được đôi nào thì tôi lại dọn vào. Thời tôi còn trẻ hoặc cách đây không xa guốc mộc cũng được ưa chuộng nên bán đều mỗi ngày cũng hơn chục đôi. Mặc dù tiền bán guốc không bằng tiền cho người ta thuê sạp nhưng tôi sẽ không từ bỏ nó”. Bà có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh với khách nước ngoài khá thành thạo, bà cười thẹn: “Bán ở đây rồi cũng phải học những câu đơn giản để mời khách chứ!”. Ngày nay với nhiều mặt hàng có mẫu mã, chất lượng đang chiếm lĩnh thị trường nên guốc mộc đã dần bị đi vào quên lãng. Cùng với những chiếc áo dài, áo tứ thân hay nón lá thì guốc mộc cũng từng một thời gắn bó với người phụ nữ Việt. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay chẳng còn mấy ai nhớ đến tiếng guốc lộc cộc xưa kia, cũng chẳng ai còn muốn sử dụng nữa vì guốc mộc đã được coi như một món đồ cổ hết giá trị. Nhưng với bà Liên tiếng guốc mộc xưa vẫn còn vẹn nguyên trong sâu thẳm trái tim, nó còn đó như gợi lại những nét xưa ở cái thời bà đã sống.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Bà Liên tâm sự: “Guốc mộc chính là những kỷ niệm đẹp về cuộc sống xưa kia, cái thời bà và những người như bà đã sống”. Bà luôn trăn trở: “Tôi chọn tiếp tục gắn bó với nghề như để gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc. Chỉ là không biết mai mốt tôi nhiều tuổi rồi thì guốc mộc sẽ như thế nào. Chỉ sợ rằng không còn ai lưu giữ và nhớ đến guốc mộc nữa thôi”. |
Bình luận (0)