Làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế) lâu nay vẫn được du khách biết đến là ngôi làng cổ với kiến trúc độc đáo riêng biệt. Đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu nhiều nét văn hóa đặc sắc nơi này, mà nổi tiếng nhất vẫn là gốm Phước Tích.
“Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế/Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân”.
Tác giả (phải) và nghệ nhân Lê Trọng Diễn, người giữ hồn cho gốm cổ Phước Tích
1. Đây là 2 câu thơ nổi tiếng mà rất nhiều du khách thuộc lòng khi đến đây. Dòng sông Ô Lâu hiền hòa, tĩnh lặng, thơ mộng đã ôm trọn làng cổ Phước Tích và những con người thuần hậu nơi đây. Cả làng Phước Tích ở trong những ngôi nhà rường cổ kính, dưới những vòm cây cổ thụ xanh ngắt, hiện lên như một bảo tàng văn hóa đặc biệt. Có thể nói đây là một làng di sản thuần phong vị Huế, thuần Việt nguyên vẹn có tuổi đời trên 500 năm tuổi.
Theo sử sách, làng Phước Tích được thành lập từ năm 1479 dưới thời vua Lê Thánh Tông và có diện tích đến khoảng 49ha. Vào năm 2009, làng cổ Phước Tích là ngôi làng thứ hai được công nhận là di sản cấp quốc gia của Việt Nam. Hiện nay, làng cổ Phước Tích có nhiều loại hình độc đáo để du khách đến tham quan.
Ngôi làng cổ này không chỉ là vùng trời bình yên, thanh nhã với những nhà rường xưa, miếu cổ mà nổi tiếng nhất là gốm Phước Tích. Làng gốm nơi đây có niêu đất (còn gọi là om) trứ danh tiến vua. Theo sử sách triều Nguyễn kể rằng: “Các vua Gia Long, vua Minh Mạng, vua Đồng Khánh đều ăn uống rất cầu kỳ. Cơm vua ăn được nấu bằng gạo De (An Cựu) được lựa từng hạt. Nồi nấu cơm là một cái niêu đất nhỏ do làng gốm Phước Tích sản xuất”.
Một lò nung gốm Phước Tích cổ truyền
2. Đến làng cổ Phước Tích, chúng tôi may mắn gặp được nghệ nhân Lê Trọng Diễn, một người tâm huyết với nghề gốm từ bao đời nay.
Căn nhà nhỏ của nghệ nhân Lê Trọng Diễn nằm khuất sâu giữa làng. Với lối kiến trúc ba gian, hai chái, ngôi nhà rường có tuổi đời trên 150 năm là một trong những ngôi nhà cổ đặc biệt của làng. Thêm một điều khiến chúng tôi ấn tượng hơn nữa chính là vô số những sản phẩm tinh xảo làm bằng gốm như chậu, niêu, ấm, cối tiêu, chum… được chủ nhân bày biện khéo léo trong căn nhà của mình.
Nghệ nhân Lê Trọng Diễn cho chúng tôi biết đây là những sản phẩm gốm mà gia đình ông Diễn tự sản xuất và sưu tầm với đầy đủ 63 mẫu mã của làng gốm Phước Tích nổi tiếng một thời. Trong số này có nhiều sản phẩm được tạo ra từ thời ông nội của ông. Vì quý trọng những sản phẩm của ông cha để lại nên từng có thời điểm xảy ra chiến tranh, những sản phẩm này được gia đình mang chôn xuống đất để tránh bị hư hỏng nên mới giữ gìn được đến hôm nay. Đến nay, ông xem đó như là của hồi môn mà cha ông để lại nên dù đã có nhiều người tìm đến hỏi mua nhưng gia đình nhất định không bán.
Dù đã trên 70 tuổi nhưng ông Diễn vẫn có thể ghi nhớ và giới thiệu cụ thể về từng sản phẩm được trưng bày ở trong nhà mình. Các sản phẩm này vừa có nét mộc mạc vừa có nét tinh xảo riêng mang đặc trưng riêng của làng nghề gốm Phước Tích. Nhiều mẫu mã trong số đó từng là sản phẩm được làng Phước Tích dùng để dâng lên vua. “Mỗi sản phẩm để sản xuất tiến vua được làm rất cẩn thận và công phu. Như nồi om tiến vua được sản xuất riêng, đất nung được tìm chọn kỹ càng và công đoạn sản xuất cũng vậy. Các sản phẩm này đều được nung riêng, nếu nung bị lỗi thì phải đập bỏ chứ không được mang bán hay dùng trong gia đình vì điều đó bị coi là phạm thượng”, ông Diễn kể!
Nghệ nhân Lê Trọng Diễn chia sẻ thêm, gốm Phước Tích cổ truyền có một nét riêng biệt, đó là có hàng triệu sản phẩm màu sắc không có cái nào giống cái nào cả, bởi do chất đất nơi đây và do lò nung thủ công (lò gạch, đốt bằng lò củi). Cũng cần nói thêm rằng, sản phẩm gốm Phước Tích cổ truyền không bao giờ tráng men, chỉ làm từ đất sét nung lên mà thành. Nhưng với độ nung cùng với màu men hỏa biến, nên nhìn vào một số sản phẩm gốm trông như được tráng men, tiếng kêu rất thanh, huyền ảo và sâu lắng.
Làng cổ Phước Tích nổi tiếng nhất vẫn là gốm Phước Tích
Ngoài sản xuất, trưng bày gốm, nhiều năm qua ông Diễn còn nhận dạy nghề và truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên trong làng với mong muốn cứu nghề gốm đang bị mai một theo thời gian. Ông luôn mong mỏi làm thế nào để khôi phục và phát triển trở lại nghề gốm truyền thống của làng.
Được biết, thời gian qua Tổ chức JICA (Nhật Bản) cũng đã hỗ trợ làng cổ Phước Tích đào tạo nghề cho 20 người dân ở đây để duy trì nghề gốm bằng cách sản xuất các sản phẩm, mẫu mã mới dựa trên kỹ thuật truyền thống để giới thiệu với du khách. Dự án cũng đã mời chuyên gia gốm người Nhật Bản đến tập huấn tại làng Phước Tích, tổ chức các chuyến tham quan học tập tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) và làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) cho nhóm thợ gốm để duy trì kỹ thuật truyền thống, phát triển sản phẩm mới.
3. Tạm biệt làng cổ Phước Tích, chúng tôi trở về TP.HCM cùng những món quà quý giá, trong đó có chiếc bình vôi gốm Phước Tích được chế tác theo phong cách truyền thống. Cảm giác thanh bình của làng quê Phước Tích len nhẹ vào tâm tưởng và chúng tôi luôn nhớ câu nói của nghệ nhân Lê Trọng Diễn: “Chừng nào làng Phước Tích còn thì làng nghề gốm còn, nghề gốm còn thì làng Phước Tích còn”. Chúng tôi thầm mong sao một làng nghề mang đậm tính cách Huế sẽ không bị mai một và lan tỏa sức sống trên khắp mọi miền đất nước.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)