Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hơn một triệu ca bệnh lây qua đường tình dục mỗi ngày

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi ngày một triệu trường hợp trên thế giới được chẩn đoán lây bệnh chlamydia, lậu, trichomoniasis và giang mai.

Báo cáo ngày 6/6 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính cứ 25 người lại có một trường hợp mắc ít nhất một trong các bệnh lây qua đường tình dục bao gồm chlamydia, lậu, trichomoniasis và giang mai. Số liệu được thu thập từ đàn ông và phụ nữ 15-49 tuổi khắp thế giới, cho thấy năm 2016 toàn cầu ghi nhận thêm 127 triệu ca chlamydia, 156 triệu ca trichomoniasis, 87 triệu ca lậu và 6,3 triệu ca giang mai. Đây là số ca được chẩn đoán chứ không phải số bệnh nhân, bởi một người có thể cùng lúc mắc các bệnh khác nhau hoặc tái phát nhiều lần.

Tiến sĩ Melanie Taylor, chuyên gia dịch tễ học y khoa của WHO và là tác giả chính của báo cáo, nhận định bệnh lây qua đường tình dục là "đại dịch thầm lặng, nguy hiểm, kéo dài trên toàn cầu". Các số liệu cũng chứng tỏ "người dân thế giới đang mạo hiểm với sức khỏe của mình".

Ảnh: New York Daily News.

Con người mắc bệnh lây qua đường tình dục do quan hệ không an toàn. Một số bệnh truyền từ mẹ sang con trong lúc mang thai và sinh nở, đặc biệt như chlamydia, lậu và giang mai. Bệnh giang mai cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc với máu nhiễm bệnh. Nếu không điều trị, bệnh lây qua đường tình dục để lại những hậu quả nghiêm trọng như vô sinh ở cả nam lẫn nữ, thai chết lưu, mang thai ngoài tử cung, tăng nguy cơ nhiễm HIV.

Bệnh lây qua đường tình dục có thể được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, việc điều trị các bệnh này ngày càng khó khăn do tình trạng thiếu thốn thuốc men và kháng thuốc. Bên cạnh đó, bệnh lây qua đường tình dục ít biểu hiện ra ngoài khiến người mắc không biết mình bị bệnh, dễ truyền cho đối tác. Chưa kể, bệnh lây qua đường tình dục thường gắn liền với kỳ thị và xấu hổ.

Bác sĩ Teodora Wi, chuyên gia của WHO, cho biết bệnh lây qua tình dục xuất hiện khắp nơi nhưng không nhận được sự quan tâm cần thiết. Bác sĩ Wi đề nghị mọi lĩnh vực phải cùng nhau chống lại đại dịch này. Ví dụ, phụ huynh và giáo viên khuyến khích giáo dục giới tính, các nhà hoạch định chính sách hỗ trợ dịch vụ khám chữa bệnh, còn các nhà khoa học nghiên cứu phát triển cách phòng chống, chẩn đoán, sàng lọc, điều trị bệnh.

Minh Nguyên (Theo CNN)Vnexpress

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)