Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Hòn Nghệ non nước hữu tình

Tạp Chí Giáo Dục

Theo quốc lộ 80, du khách có thể từ Rạch Giá đến bến tàu khách Ba Hòn (Kiên Lương) để ra hòn Nghệ. Tàu ra hòn Nghệ mỗi ngày có hai chuyến: sáng 8g khởi hành từ hòn Nghệ ra Ba Hòn và quay trở về hòn Nghệ lúc 12g.
Tàu khách Thanh Tùng có trọng tải 40 tấn, thật vững lòng cho những người không quen đi sông biển như chúng tôi. Sau khi trình giấy ở đồn biên phòng cảng hòn Chông, tàu bắt đầu tăng tốc. Trước mặt là một ngọn núi dựng đứng sừng sững có tên là Ba Hòn, bà con địa phương còn gọi là Ba Hòn Cò vì ngày xưa cò ở đây nhiều vô số kể.
Hoàng hôn hòn Nghệ
Sau gần hai giờ lênh đênh trên biển cả, tàu đến hòn Nghệ. Từ xa nhìn vào, nơi ấy như một ngư cảng lớn, tàu ghe tấp nập.
Đảo hòn Nghệ được người Pháp gọi là Pôlô-Tekere, được cấu tạo thành từ đá sa thạch, có đỉnh cao 338m, rộng 3,8km2.
Hình ảnh đầu tiên của hòn Nghệ đập vào mắt chúng tôi là tượng Phật Quan Âm màu trắng, mặt hướng về bãi Nam, lưng hướng về bãi Chướng.
Nhà cửa làng chài cất thoai thoải theo chân hòn, dân số trên đảo ước tính trên 2.100 người, sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản.
Trước mặt bãi Nam, mặt nước giăng kín lồng bè nuôi cá mú và khoảng hơn trăm chiếc tàu đánh bắt cá mực ngoài khơi.
Lần bước lên núi sẽ thấy nhiều vườn cây ăn trái như dừa, mít, xoài, xapochê. Một số nơi trồng cây phủ xanh đồi trọc như tràm bông vàng, gió bầu, sao đen… Ở đảo, chúng tôi bắt gặp rất nhiều loại chim, sóc đuôi trắng, cà cuốc (cùng loài với kỳ đà).
Vòng quanh đảo là một con đường đã được bê tông hóa. Phương tiện vận chuyển khách là xe gắn máy. Ngồi xe máy đi tham quan quanh hòn tốn 15 ngàn đồng mỗi người.
Đá Chướng ở hòn Nghệ
Vinh ông Nam Hải ở hòn Nghệ
Đến cuối bãi Chướng, du khách sẽ thấy hai miễu thờ liền nhau là miễu Bà Chúa Xứ và miễu Vinh ông Nam Hải. Tại miễu Vinh ông có thờ bộ xương cá ông “lụy” vào bãi ngày 16-2-2004.
Lần theo con đường dốc, du khách sẽ đến tượng Phật Bà Nam Hải, cao gần 20m. Nối theo con đường đá chập chùng, chúng tôi lên đến ngôi chùa Liên Tôn Cổ Tự. Nơi đây mát mẻ, phong cảnh nên thơ hữu tình. Tượng Phật Thích Ca ngồi dưới cội bồ đề, càng thấy cảnh sắc đượm mùi thiền.
Đảo hòn Nghệ rất hợp với những du khách thích mạo hiểm, khám phá. Nơi đây có nhiều hang động, còn một vài di tích huyền thoại được dân gian lưu truyền như chiếc giường của vua Gia Long, dấu ấn… Ngoài ra, có một hang đi vòng theo chân núi từ bãi Nam sang bãi Chướng.
Êm đềm hòn Nghệ
Thăm hang động vua Gia Long
Con đường đi vào hang có vẻ khá chông chênh, hiểm trở… Cũng có nhiều hang ăn thông lên đỉnh núi như cổng trời chiếu ánh sáng lồng với gió lồng lộng vào. Cảnh sắc u trầm với nhiều vách đá có nhiều thạch nhũ tạo nên nhiều hình thù kỳ dị, thần bí. Những hang động uy nghiêm này vừa cao vừa rộng nên được chùa kiến lập để tu hành, Thường xuyên có nhiều du khách hành hương đến cúng bái, chiêm ngưỡng.
Lồng bè nuôi cá mú sao
Đến với hòn Nghệ, du khách được vòng quanh đảo tham quan đời sống của làng chài, có thể thuê xuồng bơi ra các lồng bè để tận mắt chứng kiến những đàn cá mú sao lội nhởn nhơ trong lồng bè. Nhiều du khách lội núi thăm những hang động kỳ vĩ, đưa tay nắm những rễ cây hình thù kỳ quái để lần bước, lắng nghe chim hót hòa cùng gió rì rào để có cảm tưởng như lạc vào một cung thành hoang phế.
Ai đã một lần đến hòn Nghệ đều tấm tắc khen núi biển kỳ vĩ. Đây đúng là một điểm tham quan, nghỉ dưỡng lý tưởng vì khí hậu rất trong lành, cảnh vật yên tĩnh, mát mẻ, hệ sinh thái đa dạng hoang sơ và hấp dẫn. Nếu tập trung đầu tư, hòn Nghệ sẽ trở thành điểm tham quan du lịch rất hấp dẫn.
Theo PHƯỚC HƯNG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)