Người khuyết tật cần nhận được sự sẻ chia từ cộng đồng (ảnh chỉ mang tính chất minh họa) |
Hiện nay, việc kết hôn, sinh con và duy trì hôn nhân của người khuyết tật đang gặp phải nhiều trở ngại, cần sự hỗ trợ rất nhiều từ gia đình, cộng đồng và xã hội.
Khát khao hạnh phúc
Việc ban hành Luật Người khuyết tật (số 51/2010/QH12) năm 2010 đã giúp người khuyết tật có nhiều cơ hội hơn trong quá trình hòa nhập với cộng đồng và xã hội bởi họ cũng có quyền bình đẳng như tất cả mọi người. Họ cũng cần được chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, tạo việc làm, thể thao, du lịch, sử dụng công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin và các chính sách hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, hôn nhân của người khuyết tật cũng là một vấn đề cần được xã hội quan tâm, chia sẻ.
Chính sự kỳ thị và phân biệt đối xử của gia đình và cộng đồng là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra khó khăn cho người khuyết tật trong hôn nhân. Trong quan niệm của nhiều người, việc kết hôn của với người khuyết tật là không nên và sẽ đưa đến những điều khó khăn trong cuộc sống cho chính bản thân người khuyết tật.
Cách đây không lâu, câu chuyện của anh Q.H (Bình Dương, bị bại liệt hai chân) và chị T.Y (bị bại liệt bẩm sinh) đã dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Tình yêu của hai anh chị đã được hai gia đình cảm thông và đồng ý tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, sau đám cưới khoảng 20 ngày, nhà gái đòi lại cô dâu với lý do Q.H và chị T.Y không thể tự phục vụ, chăm sóc cho bản thân. Chị T.Y bị bại não, có thể rơi vào trường hợp cấm kết hôn được quy định tại khoản 2 điều 10 Luật Hôn nhân gia đình (người mất năng lực hành vi dân sự thì bị cấm kết hôn). Pháp luật đã nêu rõ quy định cấm kết hôn đối với người mất năng lực hành vi dân sự. Thế nhưng, xung quanh câu chuyện éo le này vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, kết hôn chính là khởi đầu những bi kịch cho họ. Chính cách nghĩ này là một trong những nguyên nhân đã khiến nhiều người khuyết tật không có ý định kết hôn, đặc biệt là nữ. Chị P.U (một người khuyết tật ở Q.10) chia sẻ: “Chúng tôi cũng có những khát khao về hạnh phúc gia đình như bao người khác. Tôi may mắn khi tìm được một người yêu thương, chia sẻ với mình. Tôi biết vẫn còn rất nhiều những người khuyết tật khác đang gặp khó khăn trong kết hôn”.
Cần sự sẻ chia
Theo luật sư Đào Thị Hạnh (Đoàn luật sư TP.HCM), “Hiện nay, không có Luật Hôn nhân dành riêng cho người khuyết tật. Có hai nguyên nhân chính khiến người khuyết tật gặp khó khăn trong kết hôn, đó là do sức khỏe yếu và vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử. Cũng là người khuyết tật như nhau, mức độ khuyết tật như nhau nhưng phụ nữ khuyết tật khó kết hôn hơn nam giới”. Số liệu của một cuộc điều tra xã hội về tình trạng người khuyết tật cho thấy trong số những người khuyết tật kết hôn, có đến 70% là nam giới, phụ nữ chỉ chiếm 20%. Điều đó có thể cho thấy những nhu cầu về tình yêu, hôn nhân của người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật nữ đang bị bỏ qua vì những định kiến của một bộ phận nhỏ trong xã hội. Một thực tế không thể phủ nhận là nữ khuyết tật luôn chịu thiệt thòi hơn nam khuyết tật. Thống kê cho thấy hiện cả nước có khoảng 70% người khuyết tật trong độ tuổi kết hôn (khoảng 6 triệu người), trong đó có hơn 50% là nữ. Thế nhưng số phụ nữ khuyết tật may mắn tìm được một mái ấm gia đình riêng là rất nhỏ. Một số phụ nữ khuyết tật chọn con đường trở thành bà mẹ đơn thân để thỏa mãn khát khao được làm mẹ của họ. Nhiều người khuyết tật có tâm lý e dè khi nghĩ rằng nếu cuộc hôn nhân không trọn vẹn thì sau khi ly hôn, họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quyền được chăm sóc con cái. “Theo khoản 6 điều 14 Luật Người khuyết tật 2010, những hành vi cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật đều là hành vi trái pháp luật. Do đó, người khuyết tật sau khi ly hôn vẫn hoàn toàn có những quyền và trách nhiệm đối với con cái, tùy theo điều kiện của mình như pháp luật quy định”, luật sư Đào Thị Hạnh cho biết.
Bài, ảnh: Yên Hà
Còn nhiều khó khăn Sau 5 năm thực hiện, chương trình hỗ trợ người khuyết tật đã đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận. Người khuyết tật đã tự tin hơn trong quá trình hòa nhập với cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, việc duy trì hôn nhân của người khuyết tật hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Hơn ai hết, họ cần nhận được sự cảm thông và khích lệ từ gia đình và những người xung quanh. |
Bình luận (0)