Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hồn nhiên với xiếc Bolondo

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều muộn 6-5, một nhóm ông Tây bà đầm loay hoay lắp ráp loa, đèn, dụng cụ biểu diễn tại sân UBND phường Tân Phú (quận 9, TP.HCM). Ở ngoài cổng, một nhóm khách ăn vận sặc sỡ nhảy múa, làm nhiều động tác hoạt náo để gây chú ý với người qua đường.

Đoàn Bolondo Family biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa huyện Củ Chi, TP.HCM – Ảnh: Đức Chính

Khi bà con và các em nhỏ đã kéo đến chật sân, những bản nhạc jazz trỗi lên, những ông Tây bà đầm ấy lại bước ra giữa sân bằng những điệu nhảy swing vui vẻ để bắt đầu chương trình biểu diễn đặc biệt của mình. Họ là Bolondo Family – đoàn xiếc đa quốc gia đến VN trong một hành trình dễ thương và phóng khoáng.

Đoàn nghệ thuật xiếc Bolondo Family đã biểu diễn tại Hà Nội từ ngày 20 đến 25-4. Tại TP.HCM, đoàn biểu diễn từ ngày 30-4 đến 7-5 tại các quận 12, 9, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè.

Dễ thương là bởi mục đích đến của họ. Bolondo Family đơn giản muốn được biểu diễn nghệ thuật xiếc đặc sắc cho bà con ở vùng sâu vùng xa, trẻ em mồ côi trong các trung tâm, học sinh ở các trường ngoại thành xem. Tất cả các buổi diễn đều hoàn toàn miễn phí. Họ không có yêu cầu gì với phía ban tổ chức VN ngoài câu hỏi: “Ở đó có đông người xem không?”. Những vấn đề khác như chi phí di chuyển, thiết bị biểu diễn, chỗ ăn ở, phí sinh hoạt… họ đều tự lo mà không có bất cứ lời phàn nàn nào.

Để làm được điều này, bảy thành viên của nhóm đến từ Tây Ban Nha, Brazil, Argentina, Pháp đã có một quy ước với nhau: mỗi người sẽ đi làm chăm chỉ trong suốt năm để tiết kiệm tiền (khoảng 1.000 euro/người) rồi gặp lại nhau vào mùa hè, cùng đến một nơi nào đó trên thế giới để biểu diễn miễn phí cho người dân địa phương xem. Quy ước dễ thương này đã đưa Bolondo Family đến nhiều nước ở châu Á, Phi, Mỹ Latin, những ngôi làng hẻo lánh dọc bờ sông Amazon hay những cánh đồng ngút ngàn ở Sri Lanka… Mùa hè năm nay, họ đến VN, ăn thử cơm, khoai lang chiên và kiên nhẫn học cách phát âm những từ: “xin chào”, “tôi sinh ra ở…”, “cố lên”, “trời ơi”…

Và phóng khoáng, vì hiếm có chương trình biểu diễn xiếc nào mà người xem lại cười ngặt nghẽo từ đầu đến cuối như chương trình của Bolondo. Với cách sắp xếp như một gia đình (family), Bolondo có một bà mẹ “già gân” khoái… nhào lộn cùng đàn con mỗi người một vẻ: anh cả vụng về tập tung hứng, anh hai to béo tập thăng bằng, anh ba đỏm dáng biết ảo thuật, anh tư đô vật thích nhiều chuyện, anh năm nhát cáy cố trèo cao, cô út bướng bỉnh thích uốn dẻo. Sân khấu có thể là một mảnh sân rộng của trường học hay khoảng đất bằng giữa vùng sông nước, hay hội trường của nhà văn hóa, hay vài chiếc bục trong công viên…

Khán giả đứng ngồi xung quanh trên những chiếc ghế nhựa, trên bậc thềm, trên cửa sổ, trên cành cây, trên mui xe… Cứ thế “gia đình” Bolondo đã tung tẩy biểu diễn những kỹ thuật xiếc đẹp mắt nhưng không kém phần hài hước, tự nhiên, thân thiện, tạo nên những tràng pháo tay và những nụ cười không ngớt.

“Bolondo” vốn là tên một loại gỗ mà người dân châu Phi dùng làm thuyền độc mộc rất kỳ công nhưng đầy ngẫu hứng. Luyện tập xiếc cũng là một công việc kỳ công nhưng đi biểu diễn khắp nơi bằng tiền túi của mình lại là quyết định hồn nhiên đầy ngẫu hứng. Nhìn những “khuôn mặt xinh đẹp” (cách dùng từ của họ) của bà con nông dân, trẻ mồ côi, trẻ vùng ven háo hức vì lần đầu tiên được xem xiếc nước ngoài, cả nhóm quyết tâm sẽ dành dụm tiền để trở lại lần nữa.

Nhưng Bolondo có lưu ý chút xíu thế này: “Chúng tôi không thích gọi họ là người nghèo, gọi là những người không có hoặc ít có cơ hội thưởng thức xiếc nghe dễ chịu hơn” – Ramiro, anh chàng trưởng đoàn đến từ Barcelona, tâm sự.

HOÀNG OANH (Theo TTO)

Bình luận (0)