Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hồng Ánh: Không phải có gia đình là hết cô đơn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Năm 2008 Hồng Ánh song hỷ lâm môn, vừa giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc LHP Dubai vừa chuẩn bị làm cô dâu. Nhưng theo chị, có những nỗi cô đơn chưa chắc đã chia sẻ được với bạn đời và người nghệ sĩ cũng cần nỗi buồn để nhập tâm vào vai diễn.

>> Hồng Ánh sẽ lên xe hoa vào tháng tới

>> Hồng Ánh đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc LHP Dubai

 

Hồng Ánh tại LHP Quốc tế Dubai.

Cảm xúc của chị khi nhận giải thưởng ở Dubai?

– Trước khi đi dự liên hoan, tôi khá tự tin. Nhưng sau khi đến Dubai, xem được hơn chục bộ phim của các đối thủ, trong đó có một bộ phim của Ấn Độ, nữ diễn viên từng được đề cử Oscar, được giải tại Liên hoan phim Quốc tế Chicago, tôi cũng thấy hoang mang. Một tuần lễ đầu, mọi người đổ xô vào các ngôi sao Holywood từ những buổi họp báo, đến những buổi tiệc gala, ba người của đoàn Việt Nam gần như lọt thỏm. Nhiều người lầm tưởng chúng tôi đến từ Trung Quốc hay Thái Lan. Khi chúng tôi nói mình đến từ Việt Nam, họ nhắc đến những bộ phim Việt Nam nổi tiếng nhưng là của những đạo diễn nước ngoài và của Trần Anh Hùng. Tuy nhiên, Trần Anh Hùng cũng chỉ là đạo diễn Việt kiều, nên chúng tôi chạnh lòng. Vì thế, khi tên Hồng Ánh cùng bộ phim Trăng nơi đáy giếng được xướng lên, tôi rất hạnh phúc.

Giải thưởng này có ý nghĩa thế nào trong sự nghiệp của chị?

– Đây là giải thưởng quốc tế lần thứ hai và là giải thưởng cho vai chính đầu tiên tôi nhận được ở một liên hoan phim uy tín quốc tế. Lần thứ nhất tôi được giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc tại Liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức ở Việt Nam. Những ngày ở Dubai, tôi được sống trong một không khí đặc biệt, giúp cho người yêu nghề như tôi càng nhận ra rằng con đường mình chọn là đúng đắn. Tôi rất trân trọng giải thưởng này. Vì thế khi phát hiện ra nó bị sứt một miếng bằng đầu ngón tay út, tôi thấy xót xa vô cùng, gọi điện cho đạo diễn Vinh Sơn và khóc. Nguyên nhân có lẽ là sau khi nhận giải, tôi quên lấy hộp đựng giải thưởng mà ôm khư khư phỏng vấn, chụp hình. Ngày hôm sau, khi trở về Việt Nam, tôi gói nó vào khăn, để trong một túi xốp và bắt anh Vinh Sơn ôm suốt. Nhưng qua mấy trạm máy chiếu hải quan, đồ bị nhấc lên đặt xuống nên càng không giữ được nguyên vẹn. Ở nhà, tôi có một tủ nhỏ bày những giải thưởng. Giải thưởng lần này khá to và nặng nên chiếm vị trí lớn trong chiếc tủ “bảo vật” này.

Nhìn lại, chị nhận xét sao về vai Hạnh trong “Trăng nơi đáy giếng”?

– Tôi rất vui vì cách kể chuyện của đạo diễn cũng như cách kể chuyện của mình thuyết phục được Ban giám khảo cũng như những người có uy tín đồng cảm. Tôi cũng rất vui khi lần đầu tiên được xem lại những hình ảnh của mình trong bộ phim này. Phim quay xong năm 2007 nhưng làm hậu kỳ gần một năm. Tôi là người cuối cùng được mời thử vai. Ngay từ đầu, đạo diễn nói với tôi anh rất muốn giao vai này cho một diễn viên người Huế, vì đây là phim đậm chất Huế và thu tiếng trực tiếp. Nếu ngày mai quay phim mà hôm nay tìm được cô diễn viên Huế thì sẵn sàng từ chối vai diễn của Hồng Ánh. Khi anh Vinh Sơn chia sẻ điều đó, tôi thấy hoàn toàn bình thường vì tôi là diễn viên chuyên nghiệp nên casting, được nhận hay từ chối không phải là cái gì kinh khủng lắm. Rất may là tôi và vai diễn này có duyên nên không cô người Huế nào lọt vào mắt đạo diễn và được đạo diễn ưu ái cho vẫn nói tiếng Nam Bộ.

Trong "Trăng nơi đáy giếng", Hồng Ánh hóa thân vào vai một người phụ nữ Huế có cuộc đời khổ hạnh.

Để vào vai một phụ nữ người Huế, chị gặp những khó khăn gì?

– Tôi là người Nam Bộ, quen đi nhanh, nói lớn, cởi mở và thẳng tính nhưng người Huế lại khác. Họ thâm trầm, lặng lẽ, tinh tế, từ cách đi đến nói năng, không bao giờ nói thẳng mà thường dùng ẩn ý. Tôi phải tiết chế mình và cố hòa nhập vào những bạn diễn người Huế lần đầu tiên đóng phim. Họ nghĩ tôi là ngôi sao nên trước mặt tôi, họ rụt rè và run lắm. Không chỉ thế, tôi còn phải làm quen với con chó trong phim, cậu bé con trai sáu tuổi rất nghịch; học cách pha trà, cầm đũa sao cho có ý tứ của người phụ nữ Huế. Ngay như việc lấy cơm cho chồng, người Huế không lấy một chén đầy mà chỉ lấy lưng lưng, họ ăn bằng mắt, thưởng thức bằng miệng, cái gì cũng nhỏ và vừa, không ăn to nói lớn như người Nam Bộ chúng tôi. Tôi được chọn có lẽ nhờ thế mạnh biểu đạt tâm lý.

Xem lại bộ phim, tôi thấy khá hài lòng vì đã tạo được cảm giác bất an của một phụ nữ khi niềm tin về người đàn ông họ yêu thương, thần tượng như vị thánh bị sụp đổ. Cô tìm đến thế giới tâm linh, sống trong hạnh phúc ảo mà cô tạo ra. Tôi lẫn vào bi kịch nhân vật rất nhẹ nhàng, trạng thái của một người bị tâm thần. Tôi tin rằng người xem sẽ cảm thấy đau lòng khi xem bộ phim này.

Sau giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc LHP Dubai, nhiều người gọi chị là “người chuyên sưu tầm giải thưởng”. Chị nghĩ sao về điều này?

– Người sưu tầm phải mất tiền mua, phải lặn lội đi tìm. Những giải thưởng của tôi đến rất tự nhiên. Khi đóng một bộ phim nào đó, tôi chỉ cố hết mình còn giải thưởng là cái đến sau, không ai đoán trước được. Khi vào vai diễn nào, bạn yêu nó thực sự thì không ngại hy sinh. Để vào vai trong vở kịch Bikini, tôi đã giảm 5 cân để tự tin mặc đồ hai mảnh. Vai Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng cũng vậy, tôi ép mình gầy xơ xác cho phù hợp với nét khổ hạnh của nhân vật.

Bên cạnh nghiệp diễn, công việc MC của chị như thế nào?

– Việc làm MC trong chương trình Đêm của Sao giúp tôi gắn bó với các hoạt động nghệ thuật để mình không bị chậm nhịp thông tin, biết được lĩnh vực ca nhạc có hoạt động gì, điện ảnh có hoạt động gì. Thú thật, tôi không phải là người có khả năng giỏi trong nghề MC, họ mời tôi với danh nghĩa diễn viên dẫn chương trình nhiều hơn là một MC chuyên nghiệp. Tôi cũng gặp khá nhiều sự cố trong nghề tay trái này. May mắn mình có khả năng diễn xuất nên ứng dụng nó vào công việc mới, ứng biến sự cố thành trò diễn nho nhỏ để mọi thứ trôi qua nhẹ nhàng. Làm việc với những người hoạt động nghệ thuật, tôi dễ dàng hiểu được những khát khao trăn trở để gợi ý cho họ những câu hỏi khiến họ có thể nói nhiều hơn, dài hơn là chỉ có và không. Khác chăng, trong vai trò MC, tôi là cầu nối để ngôi sao tỏa sáng trong đêm đó chứ mình không phải là ngôi sao nữa.

Không chỉ là nữ diễn viên xuất sắc, Hồng Ánh còn khẳng định được tài năng của mình trong lĩnh vực sân khấu.

Công việc bận rộn ảnh hưởng gì đến kế hoạch lên xe hoa cuối năm nay của chị?

– Tháng 1 này tôi sẽ kết hôn với nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn. Tôi không coi ngày gì hết. Mọi chuyện cũng đơn giản, không ảnh hưởng gì nhiều vì chúng tôi không làm gì rầm rộ cả, đó chỉ là bữa cơm với những người lớn trong gia đình còn bạn bè thân sẽ được mời đi đâu đó chung vui. Sau đám cưới chúng tôi không có kế hoạch trăng mật vì năm vừa rồi tôi đi nhiều. Chuyện con cái cũng phải gác lại vì trong năm 2009 tôi có rất nhiều kế hoạch. Rất may là tôi không phải làm dâu. Quan niệm làm dâu của giới trẻ bây giờ không còn, có chăng là việc giữ sự kính trọng với người lớn. Gia đình hai bên đều hiểu tôi là một nghệ sĩ nên bỏ qua cho tôi sự thất thường về giờ giấc. Đám giỗ, lễ tiệc vắng mặt tôi là điều thường xuyên. Bù lại, những lúc công việc không bận rộn, tôi rất thích ra Hà Nội thăm gia đình nhà chồng.

Chị dung hòa cuộc sống ra sao với người đàn ông nổi tiếng là sắc sảo?

– Tôi hay nói với bạn bè, tôi yêu một người yêu công việc, nghề nghiệp của tôi gần bằng tôi và ngược lại. Chính vì vậy, với công việc phê bình, PR của ông xã, lúc nào tôi cũng như một học trò ngưỡng mộ thày. Tôi cũng khó tính với nghề nên tôi cùng quan điểm với anh Sơn, đã là nghệ thuật phải nghiêm túc. Khán giả bỏ tiền ra để thưởng thức tác phẩm nghệ thuật và có quyền hưởng thứ tốt nhất. Đôi khi anh Sơn hơi khắt khe do không hiểu sự khó khăn của người trong nghề, nhưng có những người như anh ấy, chúng tôi hiểu mình cần phải nỗ lực hơn.

Tôi và Thanh Sơn quen nhau gần sáu năm. Tuổi của tôi bây giờ không còn trẻ, hơn nữa tôi cảm thấy mình tìm được người mà tôi muốn kết thúc cuộc sống độc thân. Lần gặp đầu tiên với anh, tôi không có ấn tượng nhiều. Trước đó, trong một cuốn tạp chí, tôi được giới thiệu với tư cách gương mặt diễn viên trẻ phía Nam và Nguyễn Thanh Sơn là gương mặt phê bình trẻ. Tôi ấn tượng văn trước khi gặp người. Tôi từng đọc những tranh luận của Nguyễn Thanh Sơn – Vi Thùy Linh và tự hỏi sao có người đanh đá chua chát với phụ nữ như thế. Nhưng khi đọc thơ Vi Thùy Linh tôi thấy nhận xét của anh có phần đúng. Tôi phát hiện ra mình có cảm tình với anh sau buổi tiệc của người bạn. Anh có phần quá chén, tôi đưa anh về khách sạn của anh, thấy anh đứng rất lâu rồi bước qua bên cửa mở, chứ không đâm đầu vào tấm kính trong suốt. Anh cũng cận như tôi nhưng trong cơn say vẫn biết kiểm soát hành động của mình. Chỉ một khoảnh khắc đó thôi khiến tôi bật cười và bắt đầu chú ý đến anh.

Ngày xưa chị hay nhắc về nỗi cô đơn. Bây giờ, khi sắp có gia đình, chị thấy nỗi cô đơn còn lại thế nào?

– Mọi người thường quan niệm sai về nỗi cô đơn, cho rằng, có người yêu, có gia đình là cô đơn sẽ hết. Đôi khi có những nỗi buồn, sự cô đơn mà chưa chắc đã chia sẻ được với người thân. Tôi cho rằng đó là điều buộc phải có, nhất là với người nghệ sĩ. Mình yếu đuối một tý, buồn một tý, sẽ nhập vai dễ hơn. Ai cũng thỏa mãn hết thì khó đau với nỗi đau của người khác, khó nhìn được tận cùng nỗi cô đơn của người khác. Có những nỗi buồn chỉ là cảm giác, dù có chia sẻ với người bạn đời, được an ủi nhưng chưa chắc đã tìm ra giải pháp cho mình, và bạn cứ mải suy nghĩ trong sự cô đơn riêng đó.

Ngọc Trần (Theo VNE)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)