Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hợp chất trong rau sam trắng trị bệnh suy giảm trí nhớ

Tạp Chí Giáo Dục

Hợp chất bacoside trong rau sam trắng có tác dụng cải thiện trí nhớ cho người bệnh, được nhóm nghiên cứu Viện Dược liệu "giải mã" quy trình chiết xuất.
Trong phòng thí nghiệm của Viện Dược liệu, TS Hoàng Đức Mạnh (42 tuổi) đóng các cây rau sam trắng được phơi khô vào từng túi nhỏ, cân lên trước khi đưa vào tách chiết. Anh cho biết, hợp chất thu được sau khi thử nghiệm có tác dụng giảm căng thẳng, sa sút trí nhớ, hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer.
Rau sam trắng là nguồn thức ăn phổ biến ở các tỉnh phía Nam.
Rau sam trắng là nguồn thức ăn phổ biến ở các tỉnh phía Nam.
Rau sam trắng mọc nhiều ở ven bờ ruộng, vùng ven biển. Loài cây này được sử dụng làm rau ăn ở các tỉnh phía Nam. "Các nghiên cứu trong nước của các cán bộ của Viện Dược liệu trước đây cũng đã chứng minh khả năng hỗ trợ điều trị bệnh suy giảm trí nhớ và tăng cường khả năng ghi nhớ của cây rau này". TS Mạnh nói.
Nghiên cứu được nhóm áp dụng sáng chế của Mỹ không bảo hộ tại Việt Nam, thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Từ sáng chế này, nhóm giải mã quy trình chiết xuất nhóm hợp chất bacoside – có tác dụng cải thiện trí nhớ, khả năng tập trung và cải tiến quy trình chiết xuất phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước.
Thu thập và kiểm tra rau sam trắng từ nhiều vùng khác nhau, TS Mạnh quyết định chọn loại rau từ vùng Thanh Hóa, loại chứa hàm lượng hợp chất bacoside phù hợp với tiêu chuẩn mà nhóm đã xây dựng, sau đó được đem về sấy khô. Nhóm nghiên cứu sử dụng các hệ dung môi khác nhau như ethanol, aceton để phân đoạn và tách chiết hợp chất này.
TS Hoàng Đức Mạnh tại phòng thí nghiệm.
TS Hoàng Đức Mạnh tại phòng thí nghiệm.
TS Mạnh chia sẻ, khoảng thời gian thực hiện nghiên cứu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhóm gặp nhiều khó khăn từ việc thu mua nguyên liệu, cũng như cung ứng động vật thí nghiệm (chuột) để đánh giá tác dụng dược lý của dược liệu.
Để cải tiến và rút gọn quy trình chiết xuất, anh và cộng sự áp dụng phương pháp tách chiết bằng dung môi, thay vì sử dụng sắc ký cột phổ biến. "Việc sử dụng dung môi để tách hợp chất mang lại hiệu suất tương đương và có thể dễ dàng ứng dụng quy mô công nghiệp", anh nói.
Hợp chất bacoside được nhóm thu được với hàm lượng trên 20%. Đánh giá trên động vật về khả năng độc tính cấp và độc tính sinh sản, kết quả cho thấy, sản phẩm này an toàn 100% khi sử dụng rau sam với liều lượng thử nghiệm.
Theo TS Mạnh, hiện quy trình tách chiết thành công hợp chất tiềm năng đã được xây dựng, nhưng để tiến đến bước thử nghiệm tiền lâm sàng và sản xuất quy mô thử nghiệm, bán công nghiệp là quá trình dài. Bước đầu hoàn thành đánh giá độ an toàn, nhóm nghiên cứu xây dựng công thức bào chế viên nén và tiếp tục đánh giá độ ổn định của chế phẩm, đồng thời mong muốn phía doanh nghiệp hợp tác để có thể đưa sản phẩm ra thị trường.
NT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)