Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Họp chợ trên cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh mua bán trên cầu Kiệu – đường Hai Bà Trưng

Tại TPHCM hiện nay có rất nhiều điểm tụ họp buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Việc lấn chiếm này không những gây mất trật tự đường phố mà còn làm ảnh hưởng đến người đi đường. Nguy hiểm hơn, trên rất nhiều cây cầu, tình trạng buôn bán, họp chợ đang diễn ra bát nháo gây ô nhiễm môi trường. Điều đáng quan ngại là nguy cơ tai nạn giao thông xảy ra tại những cây cầu này cũng rất cao.
Đuổi thì… chạy
Thời gian gần đây, hiện tượng họp chợ trên cầu rất phổ biến. Cứ 4, 5 giờ chiều hằng ngày, mấy chục người bán hàng rong đua nhau lên cầu tranh giành chỗ để bán hàng. Phức tạp nhất là các mặt hàng chen nhau ra hành lang tránh nạn ở giữa cầu bày bán mà không có ý thức. Việc họp chợ trái phép trên cầu là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông và làm mất đi vẻ mỹ quan đô thị. Rất nhiều khách du lịch là người nước ngoài đã phải lắc đầu mất thiện cảm với sự vô ý thức nói trên của những người buôn bán trên cầu. Không những thế, việc buôn bán lấn chiếm đường đi ở hai thành cầu, dẫn đến người đi bộ phải đi xuống lòng đường rất nguy hiểm.
Cầu Kiệu nằm trên đường Hai Bà Trưng nối với đường Phan Đình Phùng, giáp ranh giữa quận 3 và quận Phú Nhuận. Từ nhiều tháng nay, trên cầu này tấp nập người buôn kẻ bán vào chiều và tối mỗi ngày. Khoảng 4 giờ chiều, chợ bắt đầu hoạt động nhộn nhịp. Ở giữa cầu, từng đoàn người chở hàng kéo tới bày hàng xuống thành cầu thành dãy dài từ bên này qua bên kia cầu. Mặt hàng chủ yếu là túi xách, dây thắt lưng… Càng về chiều, khi đến giờ tan ca, cảnh mua bán diễn ra bát nháo hỗn độn hơn.
Một chị quê ở Bến Tre, ngồi bán túi xách trên cầu không ngần ngại nói thẳng: “Bán ở đây không mất tiền thuế, khách hàng lại đông… Công an, dân phòng đuổi thì… chạy. Hết đuổi lại bán tiếp”. Ban ngày còn đỡ, đến đêm họ mua bán đông gấp nhiều lần. Vì vào thời điểm này người dân đến mua hàng nhiều hơn, khách hàng chủ yếu là giới trẻ.
Trò chuyện với những người mua hàng thì được biết do mua ở đây tiện hơn với lại giá thành rẻ hơn nhiều so với trong các chợ, cửa hàng hay siêu thị…
Một chợ “chồm hỗm” khác nằm ngay trên địa bàn quận Bình Thạnh, đó là điểm mua bán tôm cua và trái cây trên cầu Kinh (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh). Khoảng thời gian từ 4 – 6 giờ chiều các xe bán rong trái cây và bán tôm cua đổ ra cầu và bày trên hành lang cầu để rao bán.
Hết đuổi bán tiếp….
Một người bán hàng rong ở đây cho biết: “Nếu có dân phòng hay công an của quận xuống, chúng tôi chạy đi nơi khác, rồi khoảng mấy tiếng sau quay lại bán tiếp”. Ở cầu Bông trên đường Đinh Tiên Hoàng và cầu Bùi Hữu Nghĩa trên đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh nối qua quận 1), cũng bày bán rất nhiều mặt hàng như ốc sò, trái cây… Ở cầu Tham Lương nằm trên đường Trường Chinh nối quận Tân Bình qua quận 12, hàng rong tụ tập buôn bán gà vịt và các mặt hàng khác trông rất nhếch nhác.
Hỏi những người mua ở đây về việc vi phạm giao thông và ý thức của mình thì tất cả đều cho rằng: “Thấy người ta bán thì tôi mua thôi”. Không những người bán mà người mua cũng không ý thức được sai phạm của mình. Việc họ dừng lại mua hàng ở cầu đã là vi phạm giao thông và tự gây nguy hiểm cho bản thân mình mà họ không hề quan tâm. Đường trên cầu thì hẹp, các phương tiện lưu thông thì nhiều, người mua dừng lại mua hàng vào những giờ cao điểm cũng rất đông. Điều này làm cho tai nạn giao thông thường xảy ra.
Thế nhưng, các ban, ngành vẫn chưa có biện pháp ngăn cấm triệt để. Đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có biện pháp dẹp việc họp chợ trái phép nói trên, trả lại sự thông thoáng cho mặt cầu để các phương tiện lưu thông được an toàn hơn.
QUANG TRUNG – CÔNG KHƯƠNG

Bình luận (0)