Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Họp mặt kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Công đoàn Giáo dục TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 6-4, Công đoàn Giáo dục TP.HCM tổ chức họp mặt kỷ niệm 45 năm ngày thành lập (6-4-1977/ 6-4-2022).


Giám đốc Sở GD-ĐT tặng hoa chúc mừng Công đoàn Giáo dục TP

Đến tham dự buổi họp mặt có: Bà Ngô Thị Hoàng Các – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua – khen thưởng TP; bà Dương Thị Huyền Trâm – Trưởng ban Phong trào – Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; ông Hồ Xuân Lâm – Phó Chủ tịch LĐLĐ TP; TS. Nguyễn Ngọc Ân – Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; bà Vũ Thị Ngọc – Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam Công đoàn Giáo dục Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hiếu – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM…

Tham dự buổi họp mặt còn có cán bộ công đoàn giáo dục các thời kỳ và các chủ tịch, nguyên chủ tịch công đoàn giáo dục các tỉnh, thành phố và các sở ngành.

Tại đây, bà Nguyễn Thị Gái – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục TP đã ôn lại truyền thống, thành tựu hoạt động của Công đoàn ngành qua 45 năm xây dựng, đổi mới và phát triển.

Theo đó, từ năm 1962, đáp ứng tình hình cách mạng Việt Nam, Tỉểu ban Giáo dục miền Nam Việt Nam được thành lập do đồng chí Dương Văn Diêu làm Trưởng ban đầu tiên.

Ngày 19-5-1964, Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam tiến hành Đại hội với hơn 100 nhà giáo đại biểu, chính thức thông qua Điều lệ, bầu Ban chấp hành Trung ương gồm 39 người, trong đó có 6 đại biểu của Đặc khu Sài Gòn – Gia Định. GS Lê Văn Huấn được bầu làm Hội trưởng. Đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Linh – Bí thư Trung ương Cục về dự và giao nhiệm vụ chính trị chủ yếu cho Hội.

Hội Nhà giáo yêu nước là thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Hội phối hợp hoạt động với Ban Trí vận và Tiểu ban Giáo dục ở các tỉnh, thành. Nhiệm vụ chủ yếu của Hội là lãnh đạo giáo giới phục vụ cho kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với 3 nhiệm vụ chính: Đấu tranh chống nền văn hóa giáo dục nô dịch; Xây dựng một nền giáo dục dân tộc, dân chủ và tiến bộ; Xây dựng lực lượng cách mạng cho ngành và cho Hội. Năm 1965, Hội Nhà giáo yêu nước khu Sài Gòn – Gia Định được thành lập ở Củ Chi, do nhà giáo Lê Văn Triết làm Hội trưởng đầu tiên.

Mỹ mở rộng chiến tranh, Hội tăng cường hoạt động vào các trường công lập, trường đại học, hội phụ huynh học sinh, nhà giáo về hưu… và vận động thành lập Hội liên hiệp giáo chức Việt Nam năm 1966.

Sau 30-4-1975, Hội Nhà giáo yêu nước TP (tiền thân là Hội Nhà giáo yêu nước khu Sài Gòn – Gia Định) ra hoạt động công khai. Cùng lúc đó, Ban chấp hành Hội nhà giáo yêu nước TP cũng được hình thành. Những ngày đầu giải phóng, Hội phối hợp với Sở Giáo dục mở các lớp bồi dưỡng chính trị với các cán bộ Hội làm tổ trưởng các tổ thảo luận. Sau các buổi học tập, giáo viên cũ đã dần dần bớt hoang mang và yên tâm tiếp thu đường lối giáo dục cách mạng, hưởng ứng các phong trào do Hội Nhà giáo yêu nước phát động, hòa nhập với khí thế chung của TP lúc bấy giờ.

Hội Nhà giáo yêu nước các quận, huyện và các trường cấp 3 cũng được thành lập. Số lượng giáo viên tham gia Hội ngày càng đông, thêm giáo viên chi viện từ miền Bắc vào, tạo điều kiện vững mạnh cho Ban lãnh đạo Sở Giáo dục TP tiến hành khai giảng năm học mới 1975-1976.


Giao lưu với cán bộ công đoàn các thời kỳ

Ngày 6-4-1977, theo Quyết định số 118/QĐ-TC của Liên hiệp Công đoàn TP: “Hội Nhà giáo yêu nước” sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đã chuyển toàn bộ lực lượng vào tổ chức “Công đoàn ngành Giáo dục TP”.

Công đoàn Giáo dục TP đã qua 11 kỳ Đại hội, đã có 147 đồng chí tham gia 255 lượt ủy viên Ban chấp hành. Chủ tịch Công đoàn Giáo dục TP các thời kỳ gồm: ông Phan Xuân Nam; ông Nguyễn Chương Hứa; ông Nguyễn Tiến Đạt; ông Nguyễn Hữu Hùng và hiện nay là bà Nguyễn Thị Gái.

Bà Gái nhấn mạnh, qua 45 năm hình thành và phát triển, bằng sự cố gắng, nỗ lực cống hiến của nhiều thế hệ cán bộ, đoàn viên, Công đoàn Giáo dục TP đã xây dựng nên những giá trị cốt lõi:

Luôn quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức Công đoàn là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, là sợi dây gắn kết của đoàn viên đối với tổ chức Công đoàn. Đi đôi với việc xây dựng môi trường sư phạm, mối quan hệ hài hòa, ổn định trong cơ quan, trường học, góp phần tích cực vào việc phát triển bền vững hệ thống giáo dục.

Gắn bó mật thiết hoạt động của Công đoàn với nhiệm vụ chính trị của ngành; Lấy chương trình công tác của ngành là nội dung hoạt động mang tính nghề nghiệp của Công đoàn giáo dục. Đề ra những giải pháp phù hợp để giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức vận động đoàn viên, nhà giáo, người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhạy bén, linh hoạt trong tổ chức các hoạt động công đoàn, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của từng giai đoạn. Một mặt phối hợp với chuyên môn đồng cấp để triển khai các hoạt động chung của ngành, một mặt chủ động tổ chức các hoạt động đặc trưng của công đoàn với những hình thức phong phú, sinh động; Giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong công tác, vừa đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành vừa đảm bảo tính độc lập tương đối của tổ chức công đoàn.

Đội ngũ cán bộ công đoàn giáo dục các cấp luôn dấn thân, cống hiến, chấp nhận khó khăn, thiệt thòi về mình vì quyền lợi nhà giáo, người lao động…


Công đoàn Giáo dục TP trao quà cho giáo viên ngoại thành

“Công đoàn Giáo dục TP sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Cụ thể là: Thực hiện hiệu quả chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đội ngũ đoàn viên, nhà giáo, người lao động; Phối hợp với chuyên môn thực hiện Quy chế dân chủ trong các trường học, cơ sở giáo dục, giải quyết ngay những vướng mắt và có biện pháp đấu tranh với các hiện tượng lợi dụng dân chủ làm mất ổn định nhà trường; Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, nhà giáo và người lao động…”, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục TP đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Dịp này, Công đoàn Giáo dục TP cũng đã vinh dự nhận Bằng khen của UBND TP.HCM; Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; Cờ Truyền thống của LĐLĐ TP; Cờ và Bằng khen chuyên đề Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Ngoài ra, Công đoàn Giáo dục TP cũng đã tri ân 12 cán bộ thuộc các thế hệ công đoàn có nhiều cống hiến.

T.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)