Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Họp phụ huynh, không nói chuyện thu chi

Tạp Chí Giáo Dục

Đã bắt đầu có những cuộc họp phụ huynh mà giáo viên không chỉ thông báo, phụ huynh không phải đến chỉ để đóng tiền hay nghe phàn nàn, mà trở thành buổi đối thoại, chia sẻ, lắng nghe.
Từ đó đã tạo nên môi trường giáo dục hai chiều có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.
Chia sẻ chứ không phải thông báo
Thời gian chủ yếu trong buổi họp phụ huynh đầu năm của lớp 6 một trường THCS ở Q.4 (TP.HCM) thầy chủ nhiệm dành để nói chuyện với phụ huynh về biến đổi tâm sinh lý của những học sinh (HS) mới bước vào cấp THCS và cách để phụ huynh hướng dẫn con học tốt. Từ những chuyện nhỏ như chuẩn bị cho con ăn sáng, trang phục HS đến trường, đưa đón con, đến việc hướng dẫn con học ở nhà ra sao… đều được thầy chia sẻ tận tình, chu đáo. Phụ huynh sau giờ họp cảm thấy “sáng” ra nhiều điều và mong sẽ có thêm nhiều buổi họp như vậy.

Buổi họp cuối năm để hướng dẫn phụ huynh đăng ký cho con thi vào lớp 10 tại một trường ở TP.HCM /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Buổi họp cuối năm để hướng dẫn phụ huynh đăng ký cho con thi vào lớp 10 tại một trường ở TP.HCM. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chị Trần Thị Thùy, phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Q.1, kể trong buổi gặp gỡ đầu tiên này giáo viên hoàn toàn không nhắc chuyện thu chi vì đã có thông báo bằng văn bản tới phụ huynh nên không mất nhiều thì giờ phổ biến lại. Thay vào đó, giáo viên hướng dẫn những việc như: nên mua những chiếc viết chì có độ cứng như thế nào để khi viết giấy không bị rách, chọn loại giấy nào để viết chữ nét thanh, nét đậm được đẹp hơn, chương trình học trong trường, cách chọn tài liệu, phương pháp giúp con học tập tại nhà. “Khi đã có giáo viên chủ nhiệm của từng lớp thì chúng tôi trao đổi sâu hơn về hoàn cảnh, tâm tư của con. Một số phụ huynh cũng gửi gắm nếu ở nhà con có những đặc điểm khác biệt…”, một phụ huynh chia sẻ.
Bước chuyển từ mầm non lên tiểu học, THCS, THPT là thời điểm mà nhiều phụ huynh lo lắng vì đây là giai đoạn HS bỡ ngỡ, khó hòa nhập với môi trường học tập mới. Để giúp phụ huynh, một số trường đã tổ chức những buổi giao lưu với phụ huynh đầu cấp. Mục đích qua đó giúp tháo gỡ những thắc mắc, khó khăn, lắng nghe ý kiến từ phía phụ huynh, tạo cầu nối để giáo viên và phụ huynh có dịp tìm hiểu kỹ hơn, phối hợp để đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp cho HS.
Bà Nguyễn Thị Thu Oanh, giáo viên một trường THCS ở Q.8, nói: “Mỗi trường thường tổ chức 3 – 4 đợt họp phụ huynh/năm và mỗi buổi họp chỉ kéo dài một vài tiếng. Chính vì thế những gì trao đổi bằng văn bản được thì tôi thường gửi phụ huynh trước. Thời gian họp trên lớp tập trung để trao đổi về những khó khăn trong quá trình quản lý lớp, nói rõ chương trình học và trao đổi về tâm lý lứa tuổi của HS để gia đình có những bước phối hợp ăn ý”.
Tương tác hai chiều
Bà Hoàng Minh Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1 cho rằng phần lớn phụ huynh rất ngại phát biểu trong các cuộc họp vì những lý do tế nhị như: sợ con mình bị để ý, bị đì. “Điều này vừa không hay, vừa không mang tính xây dựng. Như vậy, mấu chốt trong việc thay đổi thái độ với những buổi họp phụ huynh là phải xây dựng được môi trường giáo dục thân thiện”, bà Phương nói.
Theo bà Phương, với một số vấn đề tế nhị liên quan tới HS như kết quả học tập không tốt, quậy phá trên lớp và có thể ảnh hưởng tới danh dự của HS, nhà trường sẽ thu xếp những cuộc gặp kín trước hoặc sau buổi họp phụ huynh để bàn bạc và đưa ra giải pháp tốt nhất.
Một giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1 cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Để những buổi họp phụ huynh đạt hiệu quả cao nhất thì trước buổi họp, giáo viên chủ nhiệm nên tìm hiểu kỹ hồ sơ lý lịch của HS, xác định được mặt bằng chung của phụ huynh để chọn cách ứng xử phù hợp, từ đó sẽ thu hút được sự quan tâm của phụ huynh và khuyến khích họ nêu ý kiến đóng góp…, giải tỏa những vướng mắc để quan hệ gia đình và nhà trường gần gũi hơn”.
Một giáo viên Trường THPT Marie Curie, Q.3 kể trong cuộc họp phụ huynh đầu năm trước, một phụ huynh bày tỏ lo lắng về vấn đề bạo lực học đường trong trường học. Ngay sau đó là những ý kiến của phụ huynh khác về vấn đề này. Từ đó, chúng tôi đã nêu ra một số biện pháp để hạn chế tình trạng bạo lực trong trường học như cử HS giám sát lẫn nhau, thành lập nhóm bạn giúp bạn…

Lam Ngọc (TNO)

 

Bình luận (0)