Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hợp tác công – tư thúc đẩy phát triển văn hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 16-12, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Hợp tác công – tư trong phát triển văn hóa”.

Buổi hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện trưởng, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa luôn giữ vị trí quan trọng, vừa là động lực vừa là mục tiêu hướng đến phát triển bền vững đất nước.

Theo PGS.TS Phương, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách và sự đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ. Một mặt do nguồn lực công còn hạn chế, mặt khác do chưa khai thác và tận dụng khu vực tư nhân để đầu tư phát triển văn hóa có hiệu quả.

“Việc thúc đẩy hợp tác công – tư được kỳ vọng sẽ tạo ra những giá trị văn hóa mới, phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, sản phẩm văn hóa, đồng thời bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quốc gia”, PGS.TS Phương chia sẻ.

Đại biểu chia sẻ về chủ đề hợp tác công – tư trong phát triển văn hóa

ThS. Đỗ Quang Minh (đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho hay, hợp tác công – tư có thể thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Mỗi hình thức phục vụ các nhu cầu và mục tiêu dự án khác nhau và trong đó có hình thức đối tác công – tư (PPP).

“Trong lĩnh vực văn hóa, phạm vi các dự án PPP có thể trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Từ công trình thiết chế văn hóa công cộng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, cơ sở hạ tầng du lịch văn hóa cho đến hạ tầng văn hóa số, cơ sở hạ tầng công nghiệp sáng tạo”, ThS. Minh cho biết.

PGS.TS. Nguyễn Văn Thăng Long (giảng viên Trường ĐH RMIT Việt Nam) nhìn nhận rằng, đầu tư cho văn hóa hiệu quả thường đòi hỏi nguồn lực lớn và dài hạn trong khi ngân sách Nhà nước và kinh nghiệm trong vận hành còn hạn chế. Do đó, hợp tác PPP được xem là giải pháp hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển văn hóa.

PPP là một mô hình kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân để thực hiện các dự án công cộng nhằm chia sẻ lợi ích, trách nhiệm và rủi ro. Nhà nước giữ vai trò quản lý và tạo điều kiện pháp lý, trong khi tư nhân cung cấp vốn và quản lý hiệu quả, hỗ trợ phát triển các dự án.

“PPP đang thay đổi bộ mặt văn hóa của nhiều quốc gia, tạo thành động lực thúc đẩy phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội”, PGS.TS Long cho biết.

ThS. Phạm Bình An (Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) chia sẻ tại hội thảo

GS.TS Nguyễn Xuân Tiên (Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM) cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật tại TP.HCM trên hành trình tự chủ, việc “cởi trói” cho các đơn vị là vô cùng cấp thiết. Và mô hình hợp tác PPP cũng giúp khẳng định rõ vai trò quản lý Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Khi triển khai PPP trong lĩnh vực mỹ thuật, các cơ quan Nhà nước ở TP.HCM không còn đóng vai trò quản lý trực tiếp, thay vào đó là kiến tạo chính sách, tạo môi trường minh bạch cho các chủ thể phát triển. Đây là điều các đơn vị cần hơn là việc trông chờ nguồn ngân sách và chịu cơ chế quản lý mang tính chất bao cấp như trước đây.

“Lợi ích mang lại từ PPP không đơn thuần là huy động nguồn lực tài chính, nhân lực, kinh nghiệm quản trị mà cao hơn là tạo ra sức mạnh cùng nhau xây dựng chiến lược phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật với việc phát triển hoạt động mỹ thuật một cách bền vững”, GS.TS Tiên nhấn mạnh.

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)