Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hợp tác để xây dựng thương hiệu nghề

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Không chỉ hợp tác trong đào tạo, tuyển dụng kỹ thuật viên, hiện một số trường nghề đã thực hiện hợp tác đào tạo chuyển tiếp, liên thông… với các trường ĐH-CĐ ở nước ngoài. Đây là một trong những giải pháp mà các trường tập trung đẩy mạnh để xây dựng thương hiệu.

Sinh viên ngành công nghệ ô tô của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức trước giờ thực hành

Đào tạo chuyển tiếp

Xác định việc hợp tác, liên kết với nước ngoài trong đào tạo là một trong những giải pháp thu hút tuyển sinh học nghề, mới đây bộ phận hợp tác quốc tế của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TDC) đã có buổi làm việc với đại diện Trường CĐ Yeungnam IKong (Hàn Quốc). Tại buổi làm việc này, hai bên dự kiến xúc tiến chương trình hợp tác đào tạo 1,5+1,5 cho sinh viên 3 khoa của TDC, gồm Công nghệ kỹ thuật ô tô, Điện – điện tử và Công nghệ tự động. Khi tham gia chương trình này, sinh viên phải hoàn thành chương trình đào tạo tại TDC trong thời gian 1,5 năm (học chuyên ngành và ngôn ngữ), sau đó sẽ được chuyển tiếp học chương trình của Trường CĐ Yeungnam IKong trong thời gian 1,5 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, TDC cũng đã ký kết hợp tác chương trình đào tạo chuyển tiếp lên ĐH với ĐH Hanbat (Hàn Quốc) dành cho sinh viên 2 khoa: Tiếng Anh và Tài chính – kế toán. Theo đó, sinh viên sẽ có cơ hội theo học chương trình chuyển tiếp tại ĐH Hanbat từ 2 đến 2,5 năm sau khi hoàn tất chương trình đào tạo tại TDC (3 năm). Điều kiện để theo học chương trình này là sinh viên phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn cần thiết, trong đó có mức độ thành thạo tiếng Hàn. Ông Nguyễn Xuân Toán (Phó Hiệu trưởng TDC) chia sẻ: “Sự tương đồng về các ngành đào tạo giữa TDC và ĐH Hanbat là cơ hội tốt để học tập và phát triển nghề nghiệp đối với sinh viên TDC trong tương lai”.

Trong năm 2018, Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2 đạt được thỏa thuận với Chính phủ Đức trong việc tuyển sinh và đào tạo xuất khẩu lao động theo hình thức kỹ thuật viên. Ông Nguyễn Khánh Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2) khẳng định đào tạo ngành kỹ thuật là thế mạnh của trường và việc hợp tác này nhằm tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội tham gia thị trường lao động quốc tế. Trong chương trình hợp tác này, đợt 1 sẽ tuyển dụng 50 sinh viên các ngành trọng điểm (mỗi ngành 10 sinh viên) như cơ điện tử, công nghệ hàn, cơ khí chế tạo, cắt gọt kim loại CNC và điện – điện tử công nghiệp. Để đủ điều kiện tuyển dụng làm việc tại Đức, sinh viên phải được cấp chứng chỉ tiếng Đức theo chuẩn TELC (tiêu chuẩn B1 theo yêu cầu). Trước đó, Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2 cũng đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH WBS Training (Đức) để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho thị trường lao động Đức và các nước châu Âu.

TDC tổ chức đánh giá kỹ năng nghề cơ điện tử

Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TDC) vừa tổ chức kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia nghề cơ điện tử cho 35 công nhân Công ty TNHH MTV Dịch vụ Viễn thông Phương Nam. Đây là hoạt động được triển khai theo công văn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về việc tổ chức thí điểm đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động năm 2018 và theo nhu cầu của công ty. Mục đích của hoạt động trên nhằm đánh giá, công nhận năng lực tay nghề bậc 1 cho đội ngũ công nhân đang làm việc tại công ty, góp phần hoàn thiện kỹ năng thực hành và nâng cao năng suất lao động. Được biết, TDC được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia với 7 nghề: điện tử công nghiệp, thiết kế đồ họa, công nghệ ô tô, cơ điện tử, cắt gọt kim loại (tiện), cắt gọt kim loại (phay) và nghề hàn.

T.An

Là một trong những trường nghề nằm trong top đầu cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật trong và ngoài nước, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng mới đây đã giới thiệu cho sinh viên chương trình du học liên thông bậc ĐH ngành tự động hóa quốc tế của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Nam Đài Loan. Tham gia chương trình du học này, sinh viên có 2,5 năm học tập (trong đó có 1,5 năm học tại Đài Loan và 1 năm thực tập tại Công ty Dệt may Đài Nam). Ngoài việc được miễn học phí, ký túc xá, sinh viên còn được trợ cấp mỗi tháng tương đương 3,5 triệu đồng. Được biết, sinh viên trúng tuyển đã sang Đài Loan học tập từ tháng 9-2018 và dự kiến sẽ kết thúc chương trình học vào tháng 12-2020.

Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao

Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho rằng việc hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, trường ĐH-CĐ của các quốc gia tiên tiến trên thế giới là cơ hội tốt để người lao động Việt Nam tự tin bước ra thị trường lao động nước ngoài. Những chương trình hợp tác lâu dài, hiệu quả này còn khẳng định được uy tín của trường nghề với xã hội, xây dựng thương hiệu tuyển sinh. Nhưng hơn hết là đội ngũ lao động kỹ thuật sau chương trình hợp tác học tập, lao động ở nước ngoài chính là nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước. “Trước xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp ngày càng đòi hỏi khắt khe ở người lao động cả về chuyên môn lẫn kỹ năng, vì vậy các trường nghề phải chủ động hợp tác, liên kết không chỉ trong nước mà còn tranh thủ cơ hội hợp tác với nước ngoài để trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng tốt nhất”, ông Lâm yêu cầu. 

Cùng quan điểm, ông Lê Hoài Quốc (Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM) cho biết hiện tại các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại các khu chế xuất – khu công nghiệp và Khu Công nghệ cao đều rất cần nguồn lao động thực tập sinh cũng như lao động kỹ thuật viên tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… về nước đúng thời hạn. Việc tuyển dụng đội ngũ lao động được đào tạo ở môi trường thực hành hiện đại, chuyên nghiệp sẽ giảm được thời gian cũng như chi phí đào tạo lại.

T.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)