Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiều 2172023, tại TP.Cần Thơ, UBND TP.Hồ Chí Minh phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị (HN) Công bố Kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) giữa TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025.


Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu

Thời gian qua, các chương trình hợp tác phát triển KT – XH giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã đạt nhiều kết quả. Việc triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL  năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025 nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển KT-XH của từng địa phương Vùng  và TP.HCM; tạo cầu nối để doanh nghiệp (DN) các bên liên kết, hợp tác với nhau; thúc đẩy hợp tác công – tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên; trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống người dân.


Quang cảnh hội nghị

Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM, nêu kế hoạch: Theo đó, năm 2023, TP.HCM sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TP.HCM có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương; chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư – thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành trong khu vực.

Trong năm 2024 – 2025 sẽ tập trung thực hiện 05 lĩnh vực: Phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động. Cụ thể: Về Phát triển hạ tầng giao thông: Phối hợp Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương –  Mỹ Thuận. Phối hợp Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ. Nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ ven biển TP.HCM – ĐBSCL. Tăng cường kết nối đường thủy TP.HCM – ĐBSCL.

Đối với du lịch: Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 2080/KH-UBND ngày 23 tháng 6 năm 2021 của UBND TP.HCM về triển khai Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn năm 2021 -2025. Tổ chức các diễn đàn liên kết phát triển du lịch, các chương trình du lịch liên kết, hội nghị quảng bá sản phẩm du lịch kết nối; xây dựng và công bố trang thông tin điện tử về du lịch, triển khai bộ nhận diện thương hiệu và phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch.


Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu

Hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu: Sẽ tổ chức các hội thảo trao đổi kinh nghiệm, giải pháp khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong công tác phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với thiên tai và hợp tác quốc tế về giải pháp canh tác mới, giống mới, cũng như các giải pháp chống ngập thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề xuất các dự án bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và các vùng đất ngập nước quan trọng; hình thành hành lang đa dạng sinh học kết nối Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau – sân chim Đầm Dơi – Thạnh Phú – Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; hình thành trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tại Phú Quốc.

Phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số: Tổ chức các Hội thảo về phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh có tính đến liên kết bền vững. Xây dựng đề án khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng phục vụ hoạt động điều phối vùng. Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Quy chế phối hợp trong các hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Phát triển lĩnh vực giáo dục,  y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động: Thực hiện Đề án hợp tác chuyển giao kinh nghiệm khám chữa bệnh, điều trị chuyên sâu, hội chẩn từ xa, nâng cao năng lực y tế cơ sở. Đề án kết nối các trường đại học, các viện, các trung tâm, đào tạo nhân lực cho vùng. Thực hiện chương trình kết nối, chia sẻ thông tin, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm.


Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường nêu kiến nghị với lãnh đạo TP.HCM

Hội nghị  công bố kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư của TP.HCM cho các địa phương trong vùng; đồng thời còn là điều kiện, cơ hội trong liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh và bền vững; phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị và thống nhất với kế hoạch thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH được triển khai; đồng thời đề nghị lãnh đạo TP.HCM hỗ trợ các tỉnh, thành thực hiện các dự án trọng điểm với những nội dung hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh, thành, trong đó ông Trương Cảnh Tuyên – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị TP.HCM hỗ trợ tỉnh xây dựng thành công Trung tâm dịch vụ Logictics tại Khu công nghiệp Sông Hậu; xây dựng 2 khu công nghiệp xanh với tổng diện tích trên 600 ha; đồng thời mong Chủ tịch UBND TP.HCM quan tâm giới thiệu các DN ở TP.HCM đến đầu tư ở Hậu Giang…


Ông Trương Cảnh Tuyên – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang nêu kiến nghị

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường đề nghị tiếp tục được hỗ trợ, liên kết hợp tác với các cơ quan, đơn vị của TP.HCM để hoàn thiện các dự án: Phát triển Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc; được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia và tiếp cận các mô hình khởi nghiệp phù hợp với các đơn vị có liên quan của TP.HCM. Hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng khai thác, đầu tư nâng cấp các sản phẩm du lịch truyền thống; đồng thời, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn liền với sản phẩm du lịch truyền thống. Về giáo dục và đào tạo: Hợp tác xây dựng cơ chế kết nối các trường đại học, các viện, các trung tâm của TP.Cần Thơ và TP.HCM nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu; đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp lớn có uy tín. Về nông nghiệp và phát triển nông thôn: Hợp tác kết nối cung – cầu, quảng bá sản phẩm, thúc đẩy nông dân liên kết với nhau và với DN trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, hỗ trợ, hợp tác phát triển ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông sản. Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về chính quyền đô thị. Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng đến xây dựng nền công nghiệp tự chủ của Việt Nam.  Đẩy mạnh xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án du lịch chất lượng cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, liên kết giải quyết cung – cầu lao động, xuất khẩu lao động; phát triển khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, y tế; phát triển hạ tầng giao thông thích ứng với biến đổi khí hậu…

Liên quan đến vấn đề hợp tác – phát triển, ông Nguyễn Văn Hiếu – Bí thư Thành ủy Cần Thơ, khẳng định: “Cần Thơ đang kêu gọi và tạo điều kiện để  các nhà đầu tư lớn đến khai thác thế mạnh của Cần Thơ, góp phần để TP và các tỉnh trong vùng cùng phát triển. Trong mục tiêu trở thành trung tâm của vùng theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, quan điểm của Cần Thơ là chọn thế mạnh để phát triển, không tạo sự cạnh tranh, xung đột mà chủ trương tích cực gắn kết với các tỉnh trong vùng để cùng phát triển”.


Trong buổi sáng cùng ngày, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM và Sở Y tế 13 tỉnh, thành ĐBSCL

Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM  Phan Văn Mãi trả lời những đề nghị của các địa phương, trong đó Chủ tịch đánh giá cao đề xuất về làm tốt các dự án giao thông; thống nhất trong năm nay định hình các tour tuyến từ TP.HCM đi 13 tỉnh, thành và ngược lại; hỗ trợ hình thành các Bệnh viện tuyến cuối tại khu vực để bệnh nhân cấp cứu được điều trị sớm nhất. ĐHQG TP.HCM sẽ kết hợp Đại học Cần Thơ trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…  Chủ tịch UBND TP.HCM  nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao các  hoạt động kết nối cung cầu của các Sở Công thương  trong vùng. Sẽ luân phiên tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư cho cả vùng. Chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm của TP.HCM trong kêu gọi đầu tư. Thời gian tới TP.HCM sẽ đăng cai và chịu chi phí tổ chức các  hội nghị Mekong Connect đồng thời  có những chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại khu vực ĐBSCL. Hiện chợ đầu mối Bình Điền được TP.HCM đầu tư trở thành chợ đầu mối tầm quốc gia và quốc tế, góp phần hình thành mạng lưới giao thương giữa TP.HCM với 13 tỉnh, thành trong vùng. TP.HCM sẽ mời gọi các doanh nghiệp lớn của TP  đến đầu tư tại các địa phương trong vùng với cơ chế hỗ trợ của TP.HCM để các DN, nhà đầu tư thành công… Cuối cùng, để hoạt động liên kết vùng hiệu quả đề nghị chúng ta phải xác định vai trò trung tâm và đầu tàu của TP.Cần Thơ. Nếu không xác lập vai trò này thì toàn vùng sẽ lại trở về như cũ với những manh múm  trong các hoạt động, tôi nói thật lòng”.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Y tế –  Sở Công Thương – Sở Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp với các sở ngành địa phương các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL tổ chức chuỗi các sự kiện bên lề hội nghị, gồm: Hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác ngành y tế của TP.HCM và các tỉnh, thành phố trong vùng giai đoạn 2023 – 2025; Hội nghị kết nối giao thương giữa TP.HCM với TP. Cần Thơ; chương trình tọa đàm về Dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)