Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hợp tác xã bao tiêu ớt cho nông dân

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Từ Ngọc Ngà, 34 tuổi ở ấp Giồng Cao, xã Ngọc Biên (Trà Cú, Trà Vinh) tốt nghiệp Cao đẳng ngành phát triển nông thôn của trường Đại học Trà Vinh đã thành lập Hợp tác xã (HTX) thu mua ớt, giúp hàng trăm lao động nông thôn có việc làm ổn định trong bối cảnh ĐBSCL đang bị hạn, mặn đe dọa.

Anh Ngà cho biết, anh đi nhiều nơi, gõ cửa nhiều doanh nghiệp ở TPHCM và các tỉnh ĐBSCL để ký hợp đồng tìm đầu ra cho cây ớt. Cơ sở chỉ mua duy nhất một loại là vì thà làm một thứ để giúp dân có lãi còn hơn làm nhiều rồi không có đầu ra, mất uy tín. Hiện tại, anh ký hợp đồng thu mua với 4 doanh nghiệp ở TPHCM để xuất khẩu sang Singapore và Hàn Quốc.

Năm 2014, anh thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Thành Công do anh làm giám đốc với 7 thành viên, diện tích 50 ha. Đến nay, HTX đã phát triển trên 20 thành viên, diện tích lên đến hơn 200 ha. Cách làm của HTX là cung cấp giống, vật tư phân thuốc cho nông dân, đến thu hoạch bao tiêu sản phẩm với giá sàn 11.000 đồng/kg.

Anh tính toán, nông dân đầu tư chi phí  cho 0,1 ha trồng ớt gồm: giống, phân bón, thuốc và thuê nhân công bẻ đến cuối vụ là khoảng 15 triệu đồng. Còn năng suất trung bình đạt 2,5 tấn bán với giá sàn 11.000 đồng/kg thì mỗi công trừ chi phí nông dân vẫn còn lãi trên 12 triệu đồng. Anh cho biết, từ trước đến giờ chưa bao giờ mua bằng hoặc thấp hơn giá sàn.

 Anh Ngà kể, cách nay 2 năm có thời điểm ớt lên đến 70.000 đồng/kg, còn năm rồi cao điểm cũng là 50.000 đồng/kg, còn hiện nay giá đang dao động gần 20.000 đồng/kg. Vì thế, người dân yên tâm sản xuất mà đầu ra không lo sợ. “Nếu trường hợp giá có giảm thấp hơn giá sàn thì chúng tôi vẫn mua bằng với giá sàn theo thỏa thuận ban đầu để nông dân đảm bảo có lãi”, anh Ngà nói.

Sáng 17/3, không khí làm việc ở HTX của anh Ngà với hơn chục người nhộn nhịp, đầy ắp tiếng nói cười. Người lựa ớt, người xúc vào sọt, người khuân vác lên xe, thu gom… Ở đây, công nhân đủ lứa tuổi, kể cả nam nữ, người già và trẻ nhỏ. Anh Ngà cho biết,  mỗi ngày trung bình mua khoảng 20 tấn, cao điểm lên đến 50 tấn. Vì thế, cần một lượng công nhân lớn để lựa ớt cho kịp giao hàng trong ngày. Mỗi ngày, đông nhất là lúc chiều tối, có đến 30 – 40 người đến cơ sở làm, còn thuê nhân công thu gom, đem về nhà làm gia công lên đến gần 300 người.

 Hiện nay, cả vùng ĐBSCL nông dân thất mùa, mất trắng thua lỗ vì mặn xâm nhập. Trong đó, địa phương của anh Ngà cũng không ngoại lệ. Anh cho biết, nhiều người trồng lúa lỗ đã đến đây xin làm thuê thay vì phải bỏ xứ đi nơi khác. 

Anh Ngà cho biết, năm 2015 doanh thu của HTX là trên 30 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 500 triệu đồng. Dự kiến, anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng ớt thêm khoảng 100 ha nữa. Đồng thời, mở rộng trồng thêm 100 ha cà tím. Từ đó, sẽ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ngày càng nhiều hơn.

Theo TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)