Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hốt hoảng vì con em dậy thì sớm

Tạp Chí Giáo Dục

Không phải trường hợp nào cũng cần điều trị nội tiết để kìm hãm quá trình dậy thì của con em. Việc sử dụng hormone phải theo chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ.

Khoa Thận – Nội tiết BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) đang điều trị thuốc hormone kìm hãm dậy thì sớm cho 300 trẻ. Con số trẻ khám dậy thì sớm có dấu hiệu tăng dần trong thời gian gần đây.

Tá hỏa vì con lớn quá mức

Hoang mang vì bé trai NQT chỉ mới năm tuổi, chưa vào lớp 1 nhưng mỗi ngày tắm cho con, chị TMH (39 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) phát hiện tinh hoàn con có dấu hiệu to lên bất thường và lún phún lông mu. Sợ con có bất thường về cơ quan sinh dục, chị đưa con đi khám tại BV Nhi đồng 1 và được chuyển chuyên khoa Nội tiết để thăm khám. Sau khi làm các xét nghiệm và chụp tuổi xương, chị H. mới hay con bị dậy thì sớm không rõ nguyên nhân và cần phải điều trị bằng cách chích hormone kìm hãm tình trạng này mỗi tháng.

Bé T. đã điều trị được tháng thứ 5 và tinh hoàn không có dấu hiệu to lên nữa. “Lúc thấy con phát triển quá mức như vậy, tôi thấy rất lo lắng và sợ con mắc bệnh khó chữa” – chị H. chia sẻ.

Trường hợp như bé T. không phải là cá biệt. Đưa bé HTA (tám tuổi) đi tái khám và chích hormone đều đặn tại BV Nhi đồng 1, chị NTM (35 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) cho hay cách đây một năm, bé A. đi học và bị bạn bè trêu chọc vì vòng ngực to. Chú ý ngực của con, chị thấy khá bất thường vì con chưa hề đến tuổi dậy thì. Tìm đọc tài liệu trên mạng, thấy con có dấu hiệu của bệnh dậy thì sớm nên chị đưa con đi khám. “Con còn nhỏ quá mà đã có ngực và kinh nguyệt thì bé sẽ mặc cảm và không biết cách chăm sóc bản thân, sẽ rất tội nghiệp” – chị M. cho hay.

Hốt hoảng vì con em dậy thì sớm - ảnh 1
Bác sĩ đang tầm soát, thăm khám cho bệnh nhi dậy thì sớm. Ảnh: GN

Phải chích có chỉ định

BS Nguyễn Đức Quang, quyền Phó Trưởng khoa Thận – Nội tiết, BV Nhi đồng 1 
(TP.HCM), cho hay mỗi tháng có hàng trăm phụ huynh đến bệnh viện để tư vấn về tình trạng dậy thì sớm của con em. Tuy nhiên, chỉ khoảng gần 20% có chỉ định chích hormone để điều trị kìm hãm quá trình dậy thì sớm. Đa phần các bệnh nhân đến khám có ngực phát triển hoặc chiều cao tăng quá nhanh, phát triển hơn bạn bè cùng lứa, cha mẹ sợ con dậy thì sớm nên đến khám.

Theo BS Quang, dậy thì sớm có ba nhóm gồm: Dậy thì sớm không tiến triển, tức trẻ có biểu hiện của dậy thì nhưng không tiến triển liên tục, dậy thì sớm ngoại biên và dậy thì sớm trung ương.

Đối với các trường hợp dậy thì sớm không tiến triển chỉ cần theo dõi tái khám, khi có tiến triển liên tục mới cần điều trị. Loại dậy thì ngoại biên có nhiều nguyên nhân khiến quá trình dậy thì diễn ra sớm như bệnh nhân tiếp xúc với các hormone sinh dục nội sinh, u tuyến thượng thận, u tinh hoàn, u buồng trứng, tăng sản thượng thận bẩm sinh, dậy thì sớm giới hạn ở người nam có tính chất gia đình… Đối với những trường hợp này thì cần điều trị theo từng nguyên nhân.

Ngoài hai loại dậy thì kể trên thì dậy thì sớm trung ương phổ biến hơn, bao gồm có nguyên nhân và vô căn tiến triển thì mới cần điều trị bằng hormone. Trong đó có thể kể đến những nguyên nhân như bệnh nhân bị u ác tính, chấn thương sọ não, chiếu tia xạ trị vào não điều trị bệnh lý, viêm nhiễm hệ thần kinh trung ương, dị dạng bẩm sinh… Nguyên nhân dậy thì sớm vô căn phổ biến hơn, ghi nhận ở giới tính nữ 80%-90%, còn nam 20%-60%. Hormone kìm hãm quá trình dậy thì sớm có tác dụng phụ không đáng kể nhưng cần được thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện cấp cứu vì bất cứ loại thuốc tiêm nào cũng có thể gây phản ứng sốc phản vệ rất nguy hiểm. Trẻ sẽ được chích hormone và về luôn trong ngày, không cần nằm viện. Sau khi trẻ đạt tuổi phải dậy thì, như nữ 11 tuổi và nam 12 tuổi thì sẽ được xem xét cho ngưng chích thuốc và sau giai đoạn này, trẻ sẽ phát triển dậy thì bình thường.

Dậy thì sớm trung ương có cơ chế như quá trình dậy thì bình thường nhưng khởi phát sớm hơn bình thường, xảy ra đối với nữ trước tám tuổi và nam trước chín tuổi.

Khám và điều trị dậy thì sớm cho trẻ ở đâu? 

Khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền BV Nhi Trung ương: Khoa chuyên chữa các bệnh rối loạn nội tiết, chuyển hóa bẩm sinh ở trẻ. Chẩn đoán, điều trị, tư vấn và theo dõi các bệnh lý nội tiết nhi khoa: Chậm phát triển chiều cao, dậy thì sớm, muộn; bệnh lý tuyến yên, tuyến giáp, cận giáp, thượng thận, sinh dục, tuyến tụy.

Khoa Thận – Nội tiết BV Nhi đồng 1 hoặc Phòng khám thận – nội tiết BV Nhi đồng 2, TP.HCM: Nếu muốn tầm soát dậy thì sớm cho con, cha mẹ có thể đưa bé đến hai nơi này. Ở đây, các bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm như chụp X-quang tầm soát tuổi xương, siêu âm bụng tổng quát (chú ý tuyến thượng thận), xét nghiệm máu…

Phụ huynh thấy con em có các dấu hiệu như ở độ tuổi dậy thì nhưng lại xảy ra ở độ tuổi chỉ 8-9 thì nên đưa đi khám sớm để xương không phát triển sớm, gây lùn cho trẻ khi đến tuổi trưởng thành. Đối với bé gái đã có kinh nguyệt thì việc chích hormone không đạt hiệu quả làm chậm lại quá trình phát triển xương mà chỉ làm cho bé không có kinh nguyệt nữa. 

Gia Nghi/PLO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)