Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

“Hớt tay trên” lao động lành nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Công nhân (CN) Công ty D (Dĩ An, Bình Dương) vào giờ tan ca. Công ty S cho người sang đứng ngay cổng phát tờ rơi thông báo tuyển dụng hàng ngàn CN khá hấp dẫn: “Nếu có tay nghề sẽ được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ; lương cơ bản 1,8 triệu, tiền chuyên cần, phụ cấp nhà trọ, đi lại 600.000 đồng…”.

Lúc công ty gặp khó khăn hoặc LĐ nghỉ việc tập thể là thời điểm để một số công ty khác phát thông báo tuyển dụng – Ảnh: A.T.

Thấy chế độ đãi ngộ tốt, nhiều CN chia tay với đơn vị cũ và rủ thêm nhiều CN khác. “Mức lương này đã được nghiên cứu kỹ và cao hơn mức lương công ty D 500.000 đồng; đồng thời cộng thêm tiền phụ cấp, chuyên cần. Những khoản này có thể lôi kéo được CN lành nghề. Mặt khác, CN nào rủ được đồng nghiệp có tay nghề từ công ty khác qua cũng sẽ được thưởng 50.000-100.000 đồng/người” – một nhân viên phòng nhân sự Công ty S cho biết.

“Chi phí đào tạo lại lao động (LĐ) khá tốn kém nên không ít doanh nghiệp chọn giải pháp đơn giản, đỡ tốn kém hơn: nâng lương, chế độ để kéo LĐ từ công ty khác. Điều này khiến tình trạng biến động LĐ diễn ra lớn” – ông Lê Hồng Phoa, chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, giám đốc Công ty TNHH may mặc Bình Dương, cho hay.

Cụ thể hơn, theo ông, Công ty TNHH may mặc Bình Dương năm 2007 đã phải bỏ ra 360 triệu đồng để đào tạo CN. Năm 2008, khoản chi phí này lên đến 1,4 tỉ đồng. Trung bình để đào tạo được một LĐ lành nghề phải mất khoảng 5 triệu đồng/CN.

Hiện tượng “hớt tay trên” CN lành nghề đang được không ít doanh nghiệp mạnh tay áp dụng trong thời điểm khó khăn hiện nay. Một giám đốc doanh nghiệp may mặc cho biết thêm đây cũng là lúc nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu, tuyển chọn CN lành nghề.

Trong khi đó, theo bà Phan Lê Diễm Trang, tổng giám đốc Công ty may Quốc tế: “Tình trạng lôi kéo LĐ đã ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất, nhất là đối với những công ty đang trong thời điểm tập trung xuất đơn hàng. Thực tế cho thấy nhiều CN sau khi qua công ty khác làm việc nhưng nhận thấy chế độ đãi ngộ không như quảng cáo, không bằng công ty cũ nên lại quay về”.

Sở LĐ-TB& XH tỉnh Bình Dương cho biết hằng năm Bình Dương cần mới khoảng 50.000 LĐ, trong đó LĐ đến Bình Dương chủ yếu là LĐ phổ thông. Thế nên nhiều doanh nghiệp phải “thắt lưng buộc bụng” bỏ tiền đào tạo LĐ để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

ANH THOA (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)