Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Houellebecq và cuộc chiến “hậu Goncourt”

Tạp Chí Giáo Dục

Tân chủ nhân giải Goncourt 2010 Michel Houellebecq xuất hiện trong tiếng vỗ tay vang dội cả khán trường tại buổi giao lưu do Nhà xuất bản Flammarion tổ chức ở nhà hát Odéon (Paris) tối 8-11-2010 (giờ địa phương).

Ông lại châm ngòi cho cuộc chiến mới bằng câu nói đầy khiêu khích và ngạo nghễ như thường lệ: “Tốt nhất là tôi có giải Goncourt. Đó là điều tốt đẹp đối với văn học và đối với nước Pháp hơn là đối với tôi”.

Houellebecq trả lời phỏng vấn báo giới – Ảnh: Le Quotidien

 Tác phẩm đoạt giải Goncourt năm nay La carte et le territoire (Bản đồ và lãnh thổ) được các nhà phê bình hoan nghênh nhiệt liệt và trở thành quyển sách bán chạy nhất tại Pháp từ đầu tháng 9-2010. Jed Martin – nhân vật chính của tiểu thuyết – là con trai một kiến trúc sư sắp qua đời.

Michel Houellebecq tên thật là Michel Thomas, sinh tại Réunion năm 1956 (theo khai sinh) hoặc năm 1958 (theo chính tác giả). Ông là một trong những nhà văn Pháp đương đại được dịch nhiều nhất trên thế giới.

Tác phẩm của Houellebecq đã ra mắt tại VN có: Hạt cơ bản (Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây và NXB Đà Nẵng), Mở rộng phạm vi đấu tranh (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn).

Từ một nghệ sĩ nhiếp ảnh, Jed chuyển sang hội họa và sau đó pha trộn hai lĩnh vực này khi sáng tác. Nhằm tổ chức thành công một cuộc triển lãm, Jed đã mời nhà văn Houellebecq góp ý quyển danh mục triển lãm. Để cảm ơn, Jed vẽ chân dung nhà văn. Bức họa có giá trị này là động lực cho vụ ám sát Houellebecq…

Thông qua những tấm bản đồ đường bộ của Hãng Michelin, Jed kể lại cuộc đời và tác phẩm của mình trong sự đan xen giữa hiện thực và hư cấu. Nghệ thuật, tiền bạc, tình yêu, mối quan hệ với cha, cái chết, công việc và nước Pháp là những chủ đề của cuốn tiểu thuyết này, một tác phẩm cổ điển một cách kiên quyết và hiện đại một cách cởi mở.

Từ tiểu thuyết đầu tiên Extension du domaine de la lutte (Mở rộng phạm vi đấu tranh, 1994), “đứa con khủng khiếp” của văn học Pháp đã mô tả cảnh khốn khổ về tình cảm, tình dục và sự cô độc tuyệt đối của con người hiện đại bằng một “giọng điệu lạnh lùng đến mức vô trùng”. Còn trong Bản đồ và lãnh thổ, qua việc mô tả nhân vật, ông tự châm biếm mình là “bốc mùi gần như xác chết” và giống như “một con rùa già mắc bệnh”.

Trước ngày công bố giải Goncourt 2010, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đều gọi Houellebecq là “siêu ứng viên”, và chỉ đặt câu hỏi “liệu Houellebecq có còn bị ban giám khảo thù dai nữa hay không?”, thay vì thảo luận “ai sẽ đoạt giải Goncourt?”.

Sau khi công bố giải, báo chí Pháp đều viết rằng giải Goncourt 2010 phù hợp với tiên đoán. Tuy vậy, có nhà phê bình chỉ trích nhiều đoạn trong tác phẩm được Houellebecq sử dụng tư liệu của Wikipédia rồi viết lại theo phong cách khách quan.

Vốn nhiều lần “bỏ lỡ” giải thưởng văn học uy tín nhất nước Pháp, nhà văn thừa nhận: “Viết sách là một cách để thành công, nhưng nó không phải là điều đơn giản”. Khi được hỏi về sáng tác đang thực hiện, Houellebecq trả lời: “Không, tại thời điểm này tôi không viết gì cả. Tôi sẽ nhấm nháp giải Goncourt”.

Trước đó, ông lưu ý với đài truyền hình France 2 rằng sẽ “tiếp tục lánh xa thế giới. Phải có một chút cô độc để sáng tác, vì khi viết tôi không làm gì khác và không thấy ai khác. Bây giờ, người ta sẽ không tự hỏi liệu lần tới tôi có đoạt giải Goncourt hay không. Điều đó sẽ ít áp lực hơn, tự do hơn mặc dù tôi đã khá tự do khi viết”.

Frederic Beigbeder – nhà văn, người bạn lâu năm và là nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết mới nhất của Michel Houellebecq – tâm sự: “Ngày nay, với Virginie Despentes (giải thưởng Renaudot) và Michel, có một thế hệ trẻ được công nhận bởi những người cao tuổi. Qua đó, các giám khảo đã chứng tỏ tinh thần trẻ trung của họ”.

CÔNG KHANH (Theo TTO)

Bình luận (0)