Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

HS không thi sử: Lỗi tại chương trình – sách giáo khoa

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh TP.HCM ôn thi môn sử tại kỳ thì tốt nghiệp năm vừa qua
HS không thích học sử nhưng là một giáo sư đầu ngành về sử học, GS. Phan Huy Lê không ngạc nhiên. Ông còn khẳng định nếu học như hiện nay, ông cũng chán.
GS. Phan Huy Lê nói: Cải cách thi cử là cần thiết nhưng thi phổ thông với cách như năm nay có lẽ Bộ GD-ĐT chưa lường hết hệ quả. Kết quả đăng ký chọn sử rất ít, có trường không HS nào chọn sử. Môn xã hội cũng rất ít. Thực trạng này dư luận có hai xu hướng. Xu hướng thứ nhất là lo lắng vị thế môn xã hội thấp xuống và làm ảnh hưởng đến việc học sử. Nhưng xu hướng thứ hai cho rằng không quá lo lắng do HS phải tính toán liên quan đến thi ĐH.
GS. Lê bày tỏ lo lắng: “Cá nhân tôi nghĩ với cách thi như thế thì hoàn toàn không ngạc nhiên khi HS sẽ bỏ môn sử, môn địa và chọn các môn tự nhiên. Đứng về lợi ích của HS là hoàn toàn hợp lý. Nhưng về phương diện thứ hai, tôi nhấn mạnh, yêu cầu của chúng ta là giáo dục toàn diện. Hiện chúng ta chưa phân ban, thì có nghĩa yêu cầu giáo dục phổ thông phải bao gồm các môn. Cách thi này thì không riêng môn sử mà các môn xã hội nói chung bị hạ thấp, coi là môn phụ. Tôi rất lo lắng. Trong giáo dục phổ thông các môn xã hội sẽ rất quan trọng trong hình thành nhân cách, bản lĩnh, năng lực tư duy của con người. Bây giờ “vui vẻ” từ bỏ môn sử, chọn môn khác thì hệ quả thế nào, HS lớn lên không biết sử, công dân lớn lên mù mờ, không hiểu rõ môn lịch sử. Chúng tôi bày tỏ lo lắng về vấn đề này”.
Chúng tôi đã tổ chức hai hội thảo về thực trạng giải pháp dạy và học môn sử ở trường phổ thông. Việc này không do môn sử không hấp dẫn, không phải do HS quay lưng mà hoàn toàn do giáo dục môn sử ở trường phổ thông hiện nay. Quan điểm sử là môn phụ, cách dạy môn sử, ai cũng phải chán. Tôi cũng chán. Toàn sự kiện, thừa mà lại thiếu nhiều cái quan trọng, thiếu sức hấp dẫn. Chương trình, sách giáo khoa (SGK) như thế, dạy như thế, tôi nghĩ HS chán sử là tất yếu…
Nhìn một cách tổng quát thì tuy có một số nỗ lực cố gắng của các thầy cô giáo trong công tác giảng dạy và cũng có cải tiến nhất định trong SGK nhưng nhìn chung cho đến tận hôm nay và có thể cả kéo dài trong thời gian tới thực trạng môn sử trong các trường phổ thông rất đáng buồn, rất đáng lo ngại.
PV: Vậy theo ông, làm thế nào để chấn hưng môn lịch sử?

Khảo bài môn sử cho HS trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm vừa qua (ảnh chụp tại Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM). Ảnh: A.Khôi
Phải đặt môn sử trong cả hệ thống giáo dục phổ thông. Muốn thay đổi môn sử phải thực hiện nó trong tổng thể, tức là trong Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông, môn sử cũng phải được thay đổi trong toàn bộ hệ thống của nó, từ nhận thức về môn sử như thế nào, dạy sử nhằm mục đích gì, môn sử góp sức gì vào đào tạo con người ở lớp trẻ, từ đó mới xác định học cái gì, học như thế nào. Đó là hàng loạt câu hỏi phải trả lời trong nhận thức về môn sử và thể hiện nó trong chương trình môn sử, sau đó là biên soạn SGK, SGK là cực kỳ quan trọng. Theo tôi SGK hiện nay không thể chấp nhận được, phải thay đổi về căn bản.
Việc đào tạo giáo viên cũng phải đào tạo đáp ứng yêu cầu mới của cuộc cải cách dạy và học của HS. Cách dạy và cách học của HS cũng phải thay đổi.
Phải giải quyết vấn đề ở tầm hệ thống, tách từng khâu nhỏ không giải quyết được. Đây là vấn đề hết sức quan trọng đặt ra trong đề án mà tôi đang rất chờ đợi và cá nhân tôi cũng như hội sẵn sàng đóng góp ý kiến để xây dựng đề án mới, trong đó đặc biệt là chương trình và biên soạn SGK sử.
Có nên đưa sử thành môn bắt buộc, thưa ông?
Đây là một vấn đề chúng tôi nhiều lần đề xuất và dư luận cũng bàn nhiều. Đây cũng là vấn đề không phải riêng Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế, các nước phát triển trên thế giới, kể cả các nước công nghiệp như Mỹ trong giáo dục phổ thông vừa coi trọng chức năng của từng môn học vừa không nên cào bằng mà phải đặt cho đúng mắt xích của nó trong hệ thống giáo dục phổ thông. Nhiều nước trên thế giới đều coi văn, toán, sử và có nước thêm môn ngoại ngữ là 3, 4 môn hoặc là môn cơ sở, cơ bản, hoặc môn bắt buộc. Theo tôi nghĩ phải có những môn bắt buộc, không nên vắng sử. Nếu tổ chức thi như cải cách của bộ thực tế là cách loại trừ không chỉ môn sử. Chúng ta hình dung như thế nào nếu HS lớn lên trở thành công dân mà hiểu biết về sử không mù nhưng mờ mịt, thiếu hệ thống và thiếu căn bản, từ đó không chỉ thiếu kiến thức mà còn liên quan đến vấn đề tính cách, ý thức công dân, dân tộc, theo tôi vấn đề này hết sức cơ bản và cần có sự nghiên cứu có trách nhiệm.
Bộ GD-ĐT đang gấp rút chuẩn bị Đề án đổi mới chương trình SGK, ông kỳ vọng gì về đề án?
Theo tôi hiện nay trong đề án chúng ta mới chỉ xác lập được mấy vấn đề cơ bản: Thứ nhất đã đến lúc phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Thứ hai là mới xác lập được một số tư tưởng có tính chất chỉ đạo, chẳng hạn như yêu cầu với giáo dục thế nào, không phải là nặng kiến thức mà phải toàn diện, xoay quanh năng lực với HS. Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục tôi nghĩ rằng có nhiều vấn đề rất lớn chưa được giải quyết mà vấn đề đó tôi nghĩ ngành giáo dục phải tự mình xác lập trên cơ sở tham khảo ý kiến của các nhà giáo và các chuyên gia, phải lắng nghe tất cả các ý kiến, kể cả ý kiến trái chiều vì các ý kiến này thể hiện sự bức xúc của họ về nền giáo dục, dù cường điệu một tí nhưng phải lắng nghe, cầu thị. Thậm chí phải tổ chức hội thảo chuyên đề. Nhiều nước tiên tiến, vai trò, những ý kiến của các hội có tác động lớn đến Bộ GD-ĐT. Trên thực tế các hội sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT đóng góp những ý kiến cả phản biện để làm thế nào đó khắc phục những yếu kém về sử học hiện nay và tiến đến góp phần tích cực vào việc đổi mới toàn diện giáo dục. Sắp tới đây chúng tôi cũng sẽ tổ chức hội thảo các chuyên gia về đóng góp ý kiến cho việc biên soạn chương trình SGK, trong đó đặc biệt là môn lịch sử. Giáo dục hiện nay nặng về kiến thức nên sách tràn lan các sự kiện, rõ ràng cách học đó không ổn. Nhưng kiến thức cũng cần thiết, nhưng cái quan trọng hơn kiến thức là năng lực, nhất là năng lực tư duy của con người. Chủ trương tiến tới giáo dục năng lực về nguyên lý là hoàn toàn đúng, khắc phục được một trong những nguyên nhân yếu kém của nền giáo dục nước ta. Tuy nhiên, cũng từ đây mà tôi rất sợ một xu hướng cực đoan sẽ xuất hiện, tức là người ta sẽ nặng về phát triển năng lực mà coi nhẹ kiến thức cần có và năng lực con người bao gồm kỹ năng và tư duy. Việc chỉnh sửa hệ thống đang đặt ra cấp bách với giáo dục hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Nói HS quay lưng với sử theo tôi hơi quá đáng nhưng hiện HS không thích môn sử là thực trạng phổ biến. Tôi cho rằng với cách dạy hiện nay, với chương trình và SGK hiện nay thì điều đó là tất yếu. Chương trình nặng kiến thức, sự kiện, nặng phải nhớ như thế thì với tuổi trẻ đầy năng động, đầy sức sống, rõ ràng các em không chấp nhận được và trong một mức độ nào đó thái độ không thích sử, bày tỏ sự không đồng tình với nội dung và phương pháp dạy hiện nay theo tôi là tích cực, nó thể hiện thái độ chủ động, năng động hơn của tuổi trẻ, phản ứng và không chấp nhận lối dạy đó, phải thay đổi cách dạy và học sử…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)