Khẩn trương khảo sát thực trạng 382 HS bỏ học, HS nghỉ học trong 1 tuần thì chính quyền địa phương phải biết thông tin. Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã yêu cầu như vậy tại cuộc họp chiều 11/12 để bàn giải pháp khắc phục thực trạng HS bỏ học trên địa bàn.
Nhiều em học sinh ở Đà Nẵng phải bỏ học, vào đời sớm để kiếm sống vì gia đình khó khăn Ảnh: HC |
Việc khảo sát HS bỏ học được chia thành 2 nhóm tuổi từ 6 – 14 tuổi và từ 15-17, với những thông tin cụ thể như: tên tuổi, cha mẹ, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình, nguyện vọng gia đình. Việc khảo sát phải hoàn thành vào ngày 15/1/2009.
Từ danh sách cụ thể này, UBND các quận huyện sẽ phân giao cụ thể cho các tổ chức, đoàn thể chịu trách nhiệm quản lý, giúp đỡ từng em đến trường.
Trường hợp gia đình khó khăn, vượt quá khả năng hỗ trợ của địa phương thì báo cáo UBND TP để có phương án xử lý.
Sở LĐ-TB-XH dành một phần chỉ tiêu đào tạo nghề miễn phí cho các em học sinh nhóm 15 – 17 tuổi có nguyện vọng được học nghề.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nông Thị Ngọc Minh cũng yêu cầu nếu HS vắng một buổi (kể cả có giấy xin phép), nhà trường phải thông báo ngay cho phụ huynh. HS nghỉ học trong 1 tuần thì chính quyền địa phương phải biết thông tin.
Năm học 2006 – 2007, Đà Nẵng có 1.604 HS bỏ học, năm học 2007 – 2008 có 1.520 em, hè năm 2008 có 936 em và tính từ tháng 9/2008 đến nay, có 382 em bỏ học. Nguyên nhân do HS có sức học yếu, không theo được chương trình, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi làm hoặc chuyển nhà đi nơi khác.
Năm 2008, Đà Nẵng có có 22 HSSV phạm tội liên quan đến ma tuý. Đáng lưu ý, trong 10 HS phổ thông, có 3 nữ sinh dưới 15 tuổi. Hầu hết HSSV liên quan đến ma tuý đều có học lực yếu, kém, ít được sự quan tâm chăm sóc của gia đình, thường xuyên bỏ học và dễ bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo.
Bình luận (0)