Số đơn hàng xuất khẩu tăng vọt trong tháng 3, nhu cầu nội địa đang dần cải thiện, đầu tư nước ngoài tăng tốc và lượng kiều hối ổn định sẽ tạo triển vọng lạc quan hơn cho nền kinh tế Việt Nam năm 2013. Nhận định này được khối nghiên cứu kinh tế ngân hàng HSBC thực hiện cho báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3 đã trở lại mức trên trung bình với 50,8 điểm, là mức cao của 23 tháng qua. Sản lượng sản xuất trong tháng hồi phục nhẹ trong khi đơn đặt hàng xuất khẩu mới của tháng 3 lần đầu tiên tăng trong 11 tháng qua, nhờ nhu cầu tăng từ các khách hàng Trung Quốc, Nhật và Thái Lan. Các yếu tố này đã tác động tích cực đến thị trường lao động, giúp lượng nhân công tăng lần thứ năm trong sáu tháng qua.
Với kim ngạch xuất khẩu quý 1 tăng 19,7% và nhập khẩu tăng 17%; tổng vốn FDI tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái là khá lạc quan. HSBC dự báo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng cùng với hoạt động nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho sản xuất, cùng sự hỗ trợ của dòng kiều hối sẽ giúp Việt Nam đạt thặng dư cán cân vãng lai trong hai năm tới. “Đến cuối năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam sẽ đóng góp khoảng 90% cho tăng trưởng GDP”, báo cáo nhận định.
Nhu cầu nội địa giảm sút, đặc biệt là ở khối nhà nước đã làm giảm mức tăng trưởng GDP từ 5,5% của quý 4/2012 xuống còn 4,9% trong quý 1/2013 so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, HSBC phân tích, sự suy giảm tiêu dùng cũng có mặt tích cực về trung hạn, các khối công và tư đều sẽ thận trọng hơn và tránh đầu tư vào những mảng không tạo ra năng suất trong dài hạn. HSBC cho rằng lạm phát năm 2013 sẽ được kiềm chế và GDP tăng trưởng nhờ nhu cầu nội địa được cải thiện, đầu tư nước ngoài tăng tốc và lượng kiều hối ổn định.
Theo Hoàng Duy
SGTT.VN
Bình luận (0)