Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

HSBC: Kinh tế Việt Nam phát triển với hai tốc độ

Tạp Chí Giáo Dục

Trong báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam công bố ngày 2/4, Ngân hàng HSBC đánh giá Việt Nam sẽ là một nền kinh tế phát triển với hai tốc độ.

Báo cáo dẫn giải, câu chuyện Việt Nam giống như một câu chuyện về đất nước chịu nhiều thua thiệt trong quá khứ nhưng lại có một kết thúc thắng lợi: Tiền VND trở nên mạnh hơn dựa vào cơ sở tỷ giá hối đoái hiệu quả thực sự trong khi đồng tiền của các nước láng giềng lại yếu đi; cán cân vãng lai và cán cân thanh toán cải thiện trong khi những nước khác giảm sút.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chỉ số PMI ngành sản xuất theo HSBC cũng đã tăng từ mức 51 điểm trong tháng Hai lên 51,3 điểm trong tháng Ba do sản lượng, đơn đặt hàng xuất khẩu mới và số lượng hàng mua tăng cao hơn, trong khi tình hình các nước khác lại đang chao đảo.

Tuy nhiên, HSBC lại cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề phải làm. Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng trong quý I/2014 giảm 1% – một dấu hiệu thể hiện sự tin tưởng thấp vào tương lai và một hệ thống tài chính đắm chìm trong nợ xấu.

Mặc dù mùa lễ Tết vốn thông thường sẽ giúp nhu cầu hàng hoá tăng lên, nhưng áp lực lạm phát lại đang giảm sút. Trong quý I/2014, chỉ số lạm phát toàn phần đã giảm từ mức 5,9% trong quý IV/2013 xuống còn 4,8%. Lạm phát tháng Ba đã chậm lại từ mức 4,6% trong tháng Hai xuống còn 4,4%. HSBC cho rằng, lạm phát sẽ chỉ ở mức trung bình 5,5% trong năm 2014 so với mức 6,6% trong năm 2013.

Một vấn đề nữa cũng đáng quan tâm là, tăng trưởng quý I/2014 giảm từ mức 6% trong quý IV/2014 xuống còn 5% với kết quả hoạt động của lĩnh vực nông nghiệp thể hiện kém nhất. Nhưng chỉ số GDP của Việt Nam có hiệu ứng theo mùa, theo đó quý I có khuynh hướng thể hiện kém nhất và các hoạt động kinh tế sẽ tăng tốc trong năm để đáp ứng nhiều mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, dòng vốn FDI được giải ngân trong quý I đã tăng 5,6% trong khi con số FDI đăng ký lại giảm khoảng 50%. Mặc dù tăng trưởng vốn FDI giải ngân trong năm 2014 vẫn giữ nguyên, HSBC tin rằng mô hình kinh tế hiện tại được dẫn dắt bởi hoạt động đầu tư đến từ nước ngoài sẽ không bền vững, đặc biệt là khi những cải cách đối với thị trường tài chính vẫn còn đứng yên.

Báo cáo cũng đặt ra câu hỏi là khi nào thì những cải cách ý nghĩa sẽ diễn ra để giúp Việt Nam thực hiện được tiềm năng của mình? Chuyên gia HSBC phân tích, Chính phủ Việt Nam không vội vã khi đang cố gắng để hạn chế các chi phí xã hội.

Điều đó có nghĩa rằng những biện pháp cải thiện từng phần sẽ được ưu ái hơn so với những biện pháp đại tu quyết liệt để cải thiện quản trị doanh nghiệp và quản lý hệ thống tài chính.

Nhưng càng đợi thì chi phí sẽ càng tăng cao. Nguồn thu ngân sách Nhà nước giảm do nguồn thu từ thu nhập và thuế giá trị gia tăng thấp với nguyên nhân là do nhu cầu đối với nhập khẩu trì trệ và các doanh nghiệp nội địa ngày càng yếu hơn.

Nguồn vốn nhàn rỗi với đa số các ngân hàng đang đầu tư lượng thanh khoản dư thừa của mình vào trái phiếu hơn là cho vay để khuyến khích hoạt động sản xuất. Nhu cầu đi vay của các doanh nghiệp và cá nhân tiềm năng đều thấp.

"Chính vì vậy, Việt Nam sẽ là một nền kinh tế phát triển với hai tốc độ," báo cáo nhận định.

Để lý giải cho nhận định này, chuyên gia HSBC cho rằng, xuất khẩu được kỳ vọng sẽ vượt trội trên phương diện cạnh tranh khu vực ngày càng tăng với chi phí lao động, điện nước rẻ hơn so với các nước láng giềng. Các hoạt động trong nước ngược lại sẽ vẫn giảm sút trừ khi có các biện pháp cải cách mạnh mẽ để giải quyết vấn đề nợ xấu và cải thiện điều hành./.

Thúy Hà (Vietnam+)

Bình luận (0)