Tỷ lệ người sử dụng bia rượu ở Việt Nam chiếm 33,5%, rất nhiều trong số đó là HSSV… Ảnh: V.S |
Tỷ lệ người sử dụng bia rượu ở Việt Nam chiếm 33,5%, trong đó lạm dụng lên tới 18%. Điều đáng nói là, người sử dụng bia rượu đang “trẻ hóa”, tỷ lệ uống bia rượu từ 14-17% là 34%, từ 18-21 tuổi là 57%. Rất nhiều trong số đó là HSSV…
Đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo “Thực trạng sử dụng bia rượu trong thanh niên” do Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe, Sở Y tế TP.HCM tổ chức cuối tuần qua.
Nhậu trên 3 lần/tuần
ThS. Mai Mỹ Hạnh – Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – cho biết: Khảo sát trên 670 nam SV và người trưởng thành trẻ tuổi (NTTTT), cho thấy có tới 25,5% trả lời uống bia rượu trên 3 lần/tuần. Song, điều đáng quan ngại là mỗi lần nhậu, những “con ma men” này “quất” ít nhất là 3 lít. Và có hơn 60% nam SV và NTTTT thừa nhận là họ uống bia rượu được trên 48 tháng (trên 4 năm). Bên cạnh đó cũng có tới 12,2% làm bạn với “ma men” từ 12 đến 36 tháng và hơn 20% từ 36 đến 48 tháng. “Như vậy, tỷ lệ SV và NTTTT có thời gian sử dụng bia rượu hơn 1 năm là rất lớn, chiếm 93%. Thời điểm bắt đầu uống bia rượu khá sớm cộng với tần số uống/tuần (từ 2 lần/tuần trở lên là 51,4%) cho thấy, một bộ phận không ít SV và NTTTT có thể rơi vào tình trạng nghiện bia rượu”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Quan điểm về việc sử dụng bia rượu của nam SV và NTTTT cũng khiến chúng ta phải giật mình. Bởi có tới 13% các trường hợp được khảo sát cho biết, họ rất thường xuyên coi uống bia rượu là cách thể hiện mình đã trưởng thành. Tỷ lệ này cũng được sử dụng cho quan niệm uống bia rượu là cách xã giao và nó là phương tiện không thể thiếu khi đi làm. 30,4% ở mức độ thường xuyên cho rằng, bia rượu giúp họ thể hiện bản chất đàn ông, giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, sự căng thẳng hay những nỗi buồn bất tận. Đặc biệt, 47,8% ở mức độ thường xuyên cho rằng uống bia rượu giúp họ bản lĩnh hơn để giao tiếp với bạn bè, đối tác. Điều này cho thấy, trong quan niệm của SV và NTTTT mục đích của việc uống bia rượu là giao tiếp, xã giao trong công việc và cuộc sống. Đồng thời cũng phản ánh “văn hóa nhậu trong gặp mặt và kinh doanh” đang ăn sâu vào suy nghĩ, nếp sống của con người…
Có thể nói, việc uống bia rượu đã trở thành “cơm bữa” của khá nhiều SV và NTTTT. Các bạn trẻ tìm đến bia rượu khi vui, khi buồn và thậm chí khi không vui không buồn cũng… nhậu!
Thân tàn ma dại vì “ma men”
Trong một giới hạn nhất định và được kiểm soát đúng mức, việc sử dụng bia rượu theo hướng tích cực có thể được xem là có lợi về mặt sức khỏe và tinh thần. Tuy nhiên, xu hướng tiêu cực trong việc sử dụng bia rượu cũng để lại những hậu quả khó lường cho chính bản thân chủ thể và những mối quan hệ xung quanh.
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM – thì: Hậu quả của việc lạm dụng bia rượu có thể gây ra các rối loạn tâm thần, rối loạn khí sắc, rối loạn lo âu, thậm chí là rối loạn nhân cách phi xã hội (tức là coi thường, xâm phạm quyền lợi người khác và trật tự xã hội…). “Đặc biệt nguy hiểm là việc lạm dụng bia rượu còn có thể gây ra chứng trầm cảm, tăng nguy cơ sử dụng ma túy, tự sát. Trong đó nguy cơ tự sát cao gấp 60-120 lần người bình thường” – bác sĩ Hiển cảnh báo.
Nói về tác hại của “không say không về”, Trung úy Đỗ Quang Hưng – Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Công an TP.HCM – cũng cho biết: “Các chất có trong bia rượu tồn tại trong cơ thể suốt 24 giờ và gây ra các tác động đến cơ thể. Đó là hưng phấn, kích thích, lúng túng, sững sờ, bất tỉnh, tử vong. Ngay khi chỉ uống một lượng vừa phải (0,2%o cồn trong máu, tương đương với 0,3 lít bia hoặc 100ml rượu vang) cồn đã có tác động đến hệ thần kinh, đặc biệt là lên não dẫn đến tầm nhìn bị thu hẹp, phản xạ thần kinh bị chậm. Do đó, khi tham gia giao thông rất dễ gây tai nạn và thường là tai nạn nghiêm trọng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân trực tiếp do người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu hoặc trong hơi thở gây ra. Hậu quả là làm 42 người chết và 10 người bị thương…”.
Theo khảo sát của ThS. Mai Mỹ Hạnh, có nhiều SV trả lời sẵn sàng bỏ một buổi học để đi nhậu nếu thấy thèm. Cũng có không ít trường hợp lấy tiền của người thân, bạn bè để mua bia rượu mà không được sự cho phép; nhiều trường hợp trở thành con nợ của bạn bè (vay tiền mua bia rượu), con nợ của các chủ quán nhậu. Nguy hiểm hơn là có hơn 8% trường hợp SV, NTTTT cho biết từ thỉnh thoảng đến thường xuyên thực hiện hành vi trộm cắp để có tiền mua bia rượu uống. Và khi có hơi men thì đập phá đồ đạc, có hành vi bạo lực với người khác…
Hòa Triều
Từ thực tế chứng minh của các chuyên gia, có thể dễ dàng nhận thấy con đường mà “ma men” dẫn chỉ thì rất dễ lạc lối vào chốn… địa ngục. Vậy, tại sao ngay từ bây giờ các bạn trẻ nói riêng và mọi người trong xã hội lại không nói không với lạm dụng bia rượu! |
Bình luận (0)