Thấy cháu gái đi học về nét mặt cứ buồn bã, lo lắng, tôi lại gần hỏi: “Có chuyện gì trên lớp hả con?”.
Mỗi ngày đi học, mong là một niềm vui – Ảnh: P.S.N
Thế là cháu òa khóc nức nở: “Bà ơi, con sợ học không nổi môn toán quá!”. Sau một hồi nghe cháu kể chuyện, tôi được biết lớp cháu có mấy bạn thường xuyên đi trễ, cô chủ nhiệm nhắc nhở đủ mọi cách mà mấy bạn vẫn không sửa đổi.
Chắc vì không còn biện pháp nào, cô quyết định tạo áp lực cho các học sinh đi trễ bằng cách tuyên bố trước lớp: “Nếu lớp này còn học sinh đi trễ, cô sẽ cho đề kiểm tra khó lên”.
Cháu tôi học toán không giỏi lắm, nghe cô nói vậy không biết mấy bạn đi trễ có sợ không, chứ cháu tôi thì sợ hết cả hồn vì lo cuối năm không được học sinh giỏi.
Là một người từng công tác trong ngành giáo dục, tôi nghĩ chắc cô giáo chỉ nói thế để hù dọa học sinh, bởi đâu có giáo viên chủ nhiệm nào muốn học sinh trong lớp bị áp lực bởi môn mình phụ trách. Thế nhưng sự hù dọa của cô đã gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ.
Dù tôi đã ra sức trấn an nhưng cháu tôi cứ mãi lo lắng: “Bà ơi, mấy bạn đi trễ chứ tụi con có đi trễ đâu mà cô làm vậy với cả lớp?”.
Cách hành xử của cô giáo đã khiến đứa cháu nhỏ tuổi của tôi cảm thấy mất niềm tin vào sự công bằng trong môi trường học đường, bởi cô giáo xử lý không đúng người, đúng tội và càng không đúng cách.
Tôi cũng hiểu giáo viên chủ nhiệm thường phải chịu nhiều áp lực từ phía ban giám hiệu và phụ huynh học sinh, nhưng tôi không tán thành cách các thầy cô lấy điểm số ra để uy hiếp học sinh.
Tôi biết có những trường hợp học sinh không đóng tiền đúng hạn, thầy cô dọa trừ điểm; học sinh vi phạm nội quy, thầy cô dọa trừ điểm; học sinh không tham gia phong trào, thầy cô dọa trừ điểm… Dĩ nhiên phần lớn thầy cô chỉ dọa chứ không làm thật. Song như vậy vẫn là không nên.
Trong nhà trường, bên cạnh việc khích lệ, khen thưởng học sinh cũng cần có những hình thức răn đe, xử phạt giúp các em tốt lên.
Tuy nhiên, tôi cho rằng răn đe bằng cách lấy điểm học tập ra hù dọa học sinh là một biện pháp giáo dục rất phản giáo dục bởi nó khiến trẻ hoang mang, sợ hãi, không còn sự thân thiện với thầy cô, và như vậy nhà trường sẽ không thể là ngôi nhà thứ hai của học sinh.
Hơn nữa, điểm học tập phản ánh quá trình học tập, cho thấy học sinh có cố gắng, nỗ lực và tiến bộ hay không. Chúng ta phải tôn trọng điểm số của các em thì mới làm các em biết trân trọng những con điểm ấy.
Thật may là sau đó lớp học của cháu tôi không còn bạn nào đi trễ. Nếu không thì chắc các học sinh trong lớp còn ấm ức, lo sợ mãi. Việc học ngày nay đã đầy áp lực. Tôi tha thiết mong các thầy cô đừng “sáng tạo” thêm những “chiêu thức giáo dục” tạo áp lực cho học sinh nữa.
THANH XUYÊN
(TTO)
Bình luận (0)