Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hư vì thiếu kiểm soát sau quy hoạch!

Tạp Chí Giáo Dục

Dù được gánh trên vai sứ mệnh trở thành khu đô thị vệ tinh để chia sẻ một phần áp lực về hạ tầng và dân số cho khu trung tâm TP.HCM, nhưng sau gần 20 năm, khu đô thị Đông thành phố vẫn chưa nên hình, nên dạng.

Nguyên nhân, theo ông Hoàng Minh Trí, viện phó viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, là do thiếu tiền và công tác hậu kiểm quy hoạch của thành phố còn bất cập. Quy hoạch đẹp được vẽ ra nhưng đã bị các dự án nhỏ lẻ, manh mún băm nát, từ đó sinh ra nhiều hệ luỵ cho hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội của khu Đông.

Thủ Thiêm vẫn chưa hiện đại như những gì mong muốn. Ảnh: cityweb

Trao đổi với phóng viên, ông Trí dẫn chứng, tại Phú Mỹ Hưng, ngay cả những khu đất còn trống, chưa xây dựng được gì nhưng đều đã có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hoàn chỉnh. Còn tại Thủ Thiêm, ngoài tuyến đường Mai Chí Thọ do Nhà nước đầu tư thì gần như chưa có gì tại những khu chức năng. Các tuyến đường vòng cung, ven đô thị bây giờ mới khởi công, những công trình hạ tầng xã hội cũng chưa có gì. Điểm dễ nhận thấy nhất tại khu vực này là xuất hiện ngày càng nhiều những dự án bỏ hoang. Cơn lốc bất động sản qua đi cũng là lúc bộ mặt thật đô thị tại nhiều khu vực hiện rõ.

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến khu Đông chậm chân trong việc phát triển, dù thành phố rất ưu tiên trong chủ trương?

Do chúng ta thiếu tiền! Ngay đồ án quy hoạch chung từ năm 1993 đã xác định, thành phố sẽ phát triển về hai hướng là khu Đông và lấn biển về khu Nam. Định hướng này được gìn giữ và bảo vệ xuyên suốt đến tận bây giờ. Trong những bản quy hoạch ấy, thành phố đều đưa ra định hướng phát triển ở khu nào thì sẽ xây dựng xung quanh đó những công trình hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học, công trình công cộng… Nhưng khi thực hiện thì “lực bất tòng tâm” vì thiếu tiền.

Mặt khác, cũng vì khâu quản lý hậu quy hoạch chưa chặt chẽ nên dẫn đến câu chuyện nhà đầu tư chỉ lo xây nhà để bán chứ không lo xây dựng hạ tầng xã hội. Khi cấp phép cho một dự án thì tất cả chỉ tiêu như làm bao nhiêu con đường, mấy ngôi trường, mấy bệnh viện đều đã có hết. Thế nhưng sau đấy, các ông chủ dự án có thực hiện đúng quy hoạch hay không thì lại không ai kiểm tra, giám sát…

Tại sao Phú Mỹ Hưng đã trở thành một khu đô thị sầm uất, hiện đại, còn khu đô thị mới Thủ Thiêm bây giờ mới vào giai đoạn mời gọi đầu tư?

Một điểm không gặp may của khu đô thị mới Thủ Thiêm là khi bắt đầu triển khai giải phóng mặt bằng thì gặp đúng thời điểm cơn lốc bất động sản đang ở thời đỉnh điểm. Giá đất rất cao. Chỉ riêng số tiền đền bù tại Thủ Thiêm thôi cũng đã gấp mấy lần Phú Mỹ Hưng. Mặt khác, khi Thủ Thiêm vừa có đất sạch để kêu gọi đầu tư thì lại gặp đúng thời kỳ kinh tế bị suy thoái, khiến việc kêu gọi đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn.

Vậy theo ông, khu đô thị Đông TP.HCM có những điều kiện và cơ hội nào để có thể phát triển với đúng như những kỳ vọng của thành phố?

Hiện tại khu đô thị Đông TP.HCM có cả thiên thời, địa lợi để phát triển. Thứ nhất về quan điểm chỉ đạo, thành phố luôn xác định phát triển khu đô thị Đông, đặc biệt là khu đô thị Thủ Thiêm thành một khu đô thị hiện đại, xứng tầm. Thứ hai về hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện nay, hầu hết các công trình giao thông trọng điểm đã được đầu tư về phía Đông. Đường Mai Chí Thọ, hầm Thủ Thiêm đã hoàn thành để kết nối với đại lộ Võ Văn Kiệt. Đường liên tỉnh lộ 25 đang được đẩy nhanh tiến độ để kết nối với cầu Phú Mỹ. Cầu Sài Gòn 2, đường cao tốc Long Thành Dầu Giây, đường Vành đai cũng đã xác định được ngày hoàn thành. Đó là chưa kể tuyến metro số 1 cũng sắp nên hình nên dạng…

Với sự đầu tư bền vững về giao thông như vậy, việc thu hút nhà đầu tư đầu tư vào khu Đông sẽ trở nên hiện thực và dễ dàng hơn. Tôi tin chắc, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, khu Đông TP.HCM sẽ trở thành đô thị đáng mơ ước.

Vũ Nguyên

Theo SGTT.VN 

 

Bình luận (0)