Điện thoại Mate 60 Pro của Huawei là minh chứng cho việc ngành công nghệ 'cây nhà lá vườn' của Trung Quốc đạt được nhiều tiến bộ sau các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Huawei đang tăng cường mua sắm linh kiện smartphone ngay tại Trung Quốc. Theo phân tích của báo Nikkei và hãng nghiên cứu Fomalhaut Techno Solutions, “mổ bụng” Mate 60 Pro cho thấy 47% linh kiện (tính theo giá trị) có xuất xứ trong nước – tăng 18% so với mẫu máy ba năm trước.
Huawei Mate 60 Pro được phát hành cho thị trường Trung Quốc.
Huawei công bố Mate 60 Pro vào tháng 8/2023 dành cho thị trường nội địa. Nhà sản xuất mỗi linh kiện đều được xác định cùng với tỷ lệ chi phí.
Nikkei nhận định Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ công nghệ nhanh chóng, bao gồm cả chất bán dẫn sử dụng công nghệ sản xuất 7 nm, kể từ khi Mỹ tăng cường hạn chế xuất khẩu đối với các thiết bị và phần mềm tiên tiến vào năm 2019.
Fomalhaut ước tính tổng chi phí của linh kiện Mate 60 Pro là 422 USD. Xét về thị phần theo quốc gia, Trung Quốc dẫn đầu với 47%.
Thị phần linh kiện Trung Quốc tăng lên phần lớn là do Huawei chuyển đổi nhà cung cấp màn hình diode phát sáng hữu cơ – bộ phận đắt nhất của điện thoại – từ LG Display của Hàn Quốc sang Tập đoàn công nghệ BOE đồng hương.
BOE đang xâm nhập vào thị trường màn hình smartphone vốn do LG và Samsung Electronics thống trị. Dù chất lượng được đảm bảo, công ty còn thua kém về năng lực sản xuất hàng loạt.
Linh kiện tấm nền cảm ứng cho Mate 40 Pro do Synaptics (Mỹ) cung ứng, nhưng Mate 60 Pro lại là của Trung Quốc. Giá trị của các linh kiện do Trung Quốc sản xuất cho Mate 60 Pro đạt tổng cộng 198 USD, tăng khoảng 90% so với Mate 40 Pro.
Sau khi phát hành, các nhà quan sát thị trường suy đoán Mate 60 Pro tương thích với 5G và chất bán dẫn do Trung Quốc sản xuất sử dụng công nghệ 7nm.
Trước đây, chúng chỉ được sản xuất tại các hãng chip lớn của Đài Loan, Hàn Quốc và Mỹ. Chất bán dẫn 5nm dùng trong Mate 40 Pro do HiSilicon của Huawei thiết kế nhưng giao cho TSMC (Đài Loan) gia công.
Fomalhaut kết luận Mate 60 Pro sử dụng chip 7nm do HiSilicon thiết kế và do “ông lớn” bán dẫn SMIC của Trung Quốc sản xuất.
SMIC được cho là đã sử dụng thiết bị cũ hơn không nằm trong hạn chế xuất khẩu của Mỹ để in thạch bản bán dẫn, một bước quan trọng của quy trình sản xuất.
iPhone là smartphone đầu tiên trang bị chip 7nm vào năm 2018.
"Người ta nói rằng công nghệ của Trung Quốc sẽ chậm hơn 7 năm, nhưng thật ngạc nhiên khi họ bắt kịp trong 5 năm", CEO Fomalhaut Minatake Kashio nói.
Thị phần linh kiện Nhật Bản trong Mate 60 Pro đạt 1%, giảm từ 19% trong Mate 40 Pro. Huawei đã thay đổi nhà cung cấp cảm biến hình ảnh camera từ Sony sang Samsung. Thị phần linh kiện của Hàn Quốc tăng 5 điểm lên 36%.
Du Lam (theo vietnamnet)
Bình luận (0)