Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Huế cũng muốn làm nhiệt điện

Tạp Chí Giáo Dục

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ký thỏa thuận cho phép một nhà đầu tư Thái Lan nghiên cứu xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá tại vùng ven biển phía bắc tỉnh.
Huế cũng muốn làm nhiệt điện
Vùng rừng phòng hộ ven biển xã Điền Hương (huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) nằm trong khu vực nghiên cứu xây dựng nhà máy nhiệt điện – Ảnh: Minh Tự

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư Thừa Thiên – Huế, khu vực nghiên cứu xây dựng nhà máy nhiệt điện là vùng ven biển phía bắc huyện Phong Điền, tiếp giáp với xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, Quảng Trị – nơi mà Chính phủ vừa chấp thuận cho Công ty Điện lực Thái Lan xây dựng nhà máy nhiệt điện cũng chạy bằng than đá.

Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện tại Thừa Thiên – Huế là Công ty đại chúng Banpu – một trong ba tập đoàn năng lượng lớn nhất Thái Lan.

Công suất giai đoạn một của nhà máy là 1.200 MW, công nghệ của Nhật, chạy bằng nguồn than đá nhập từ Úc, vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD.

Không có trong
 quy hoạch của tỉnh 
lẫn quốc gia

Trong quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã nhấn mạnh quan điểm “phát triển công nghiệp bền vững theo hướng phát triển kinh tế xanh”, và trong phần quy hoạch các ngành công nghiệp đã ghi rõ: không đầu tư nhiệt điện từ than đá.

Trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2011-2020 có xét đến 2030 (thường gọi là tổng sơ đồ 7) cũng không hề thấy quy hoạch nhiệt điện tại Thừa Thiên – Huế.

Vậy thì dựa trên cơ sở nào để tỉnh Thừa Thiên – Huế mời gọi nhà đầu tư Thái Lan vào nghiên cứu xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết khi lập quy hoạch công nghiệp của tỉnh (vào thời điểm 2013), các cơ quan chuyên môn đều nhận thấy nhiệt điện chạy bằng than không đảm bảo an toàn cho môi trường.

Nhưng mới đây, khi nghiên cứu lại thì thấy nhiệt điện than nếu công nghệ và các điều kiện khác đảm bảo an toàn môi trường sẽ điều chỉnh quy hoạch.

Ông Cao cũng nhấn mạnh rằng nhà đầu tư chỉ mới xin vào nghiên cứu để lập dự án, nếu sau khi nghiên cứu mà thấy không phù hợp thì thôi.

Trả lời câu hỏi việc mở đường cho nhiệt điện than có đi ngược lại định hướng tăng trưởng xanh và thân thiện môi trường hay không, lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường Thừa Thiên – Huế cho rằng chính định hướng này là cơ sở quan trọng để nhà đầu tư Thái Lan quan tâm trong quá trình nghiên cứu xây dựng dự án nhiệt điện.

Ông Cao nhấn mạnh tỉnh vẫn kiên định định hướng tăng trưởng xanh, nhưng cũng phải xem lại: nguồn lực nào để phát triển nền kinh tế?

Trong hiện tại thì công nghiệp sẽ mang lại nguồn lực đó, dù về lâu dài du lịch sẽ phát triển bền vững hơn.

Ông Cao chia sẻ thật tình rằng nếu thu hút được công nghiệp công nghệ cao và sạch thì tỉnh đã không nghĩ đến nhiệt điện.

Nguy cơ đe dọa 
ngành du lịch

Giới kinh doanh du lịch lo ngại sự xuất hiện của một lúc hai nhà máy nhiệt điện chạy bằng than (của Quảng Trị và Huế) sẽ khiến du khách e ngại đến Huế, nhất là các khu du lịch biển.

Ông Cao cho rằng khu vực nghiên cứu làm nhiệt điện là vùng biển phía bắc tỉnh, nằm cách xa đô thị Huế, và các khu du lịch biển đều nằm ở phía nam tỉnh.

Vùng biển từ Thuận An trở vào Lăng Cô dứt khoát không cho bất cứ dự án công nghiệp nặng nào vào đây.

Ông Cao cho hay tỉnh từng từ chối các nhà đầu tư muốn đặt nhà máy luyện thép, đóng tàu, lọc dầu và nhiệt điện ở vùng biển Chân Mây – Lăng Cô. Nhưng ở vùng biển phía bắc tỉnh thì khó phát triển du lịch nên tỉnh đã quy hoạch phát triển công nghiệp.

Ông Phan Thiên Định, phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Thừa Thiên – Huế, cho biết tỉnh đã thành lập một đoàn công tác đến khảo sát nhà máy nhiệt điện chạy bằng than của Công ty đại chúng Banpu, đặt tại Khu công nghiệp Map Ta Phut (Thái Lan).

Nhà đầu tư Thái Lan đã chứng minh rất thuyết phục về dự án và cam kết sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn cao cho môi trường.

Sở Tài nguyên và môi trường Thừa Thiên – Huế khẳng định sẽ bắt buộc nhà đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý môi trường như cam kết, chỉ khởi công nhà máy nhiệt điện đốt than khi có phương án xử lý tro xỉ; được cơ quan quản lý môi trường xác nhận mới được đi vào hoạt động. Phải tự đóng cửa nếu gây ô nhiễm hoặc để xảy ra các sự cố môi trường.

Nhưng đó chỉ là cam kết của nhà đầu tư, vì sự cố vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và lúc đó thì đã muộn. Ông Cao cho rằng nếu cứ đặt ra tình huống đó thì chỉ có một cách là không nên làm gì cả, chỉ như thế thì rủi ro mới bằng không. “Họ cam kết, nhưng mình phải giám sát chứ!” – ông Cao nói.

PGS.TS Lê Văn Thăng, viện trưởng viện tài nguyên và môi trường Đại học Huế, cho rằng vấn đề là các cơ quan hữu quan của tỉnh và trung ương phải thẩm định được công nghệ và các giải pháp bảo vệ môi trường của dự án, đó mới là cơ sở để đi đến các quyết định tiếp theo.

“Không thể dựa vào kết quả tham quan nhà máy ở Thái Lan cũng như cam đoan của nhà đầu tư để mà yên tâm” – ông Thăng nói.

Theo TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)