Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Huế sạch, từ trong bản chất!

Tạp Chí Giáo Dục

 Cách đây không lâu, tôi ấn tượng với bài viết của một đồng nghiệp về xứ Huế mộng mơ. Trong bài, đồng nghiệp kể: Sau cơn bão, đường phố Huế sạch bong, bao cây gãy, rác rưởi trên phố… người dân tự động bảo nhau thu dọn, không đợi đến sự vận động của chính quyền… Rồi bạn đồng nghiệp nọ kết luận: Người Huế đã ý thức rõ nguồn lợi du lịch, họ sạch sẽ thế để đón khách du lịch, sống bằng du lịch, có ý thức làm du lịch từ trong mỗi người dân…
Du khách tập làm hương trầm xứ Huế.
 Thăm Huế lần này, tôi vỡ lẽ, kết luận của đồng nghiệp về “động cơ sạch” ở Huế là không chính xác, nhìn nhận vậy chỉ ở bề nổi, và như thế là “hạ thấp” người Huế lắm!
Nhà khách chúng tôi nghỉ nằm trên phố Bùi Thị Xuân, một con phố nhỏ, hàng quán còn rất “quê mùa”, nhà cửa đơn giản và cũng không có một bóng dáng khách du lịch nước ngoài. Nghĩa là người dân trên con phố ấy vẫn sống bằng mớ rau con cá, chứ không phải sống nhờ du lịch. Nhưng, mấy buổi sáng tôi dậy sớm từ 5 giờ 30 phút đã thấy nhiều người Huế dậy từ trước đó phun nước rửa đường và quét đường. Trong số ấy, có cả ông già, bà già, có cả thanh niên trai tráng. Người ta không chỉ quét dọn trên vỉa hè thẳng trước cửa nhà mình, mà quét cả đường nhựa. Những túi rác người Huế không chất đống ngay ven đường trước cửa nhà mình như một sự phó mặc cho các chị lao công, mà họ để có nơi có chốn, tôi đi hàng trăm mét không thấy một túi rác nào. Nhìn cảnh ấy, nghĩ lại cảnh các công dân Thủ đô ta, chị lao công đẩy xe đi trước, lăng vèo túi rác bẩn thỉu phía sau, tất cả mọi thứ uế tạp chỉ rình rình đẩy ra rãnh nước ven đường còn trôi đi đâu, ai dọn thì mặc kệ, mà chạnh lòng!

Khách nước ngoài tham quan nghề làm nón Huế.

 Đấy là chuyện ở một con phố nhỏ.
Chuyện lớn hơn, dọc đôi bờ sông Hương thơ mộng từ trung tâm thành phố đi thuyền hàng chục ki-lô-mét tham quan các đền đài lăng tẩm du khách cả ta, cả tây đều vô cùng thích thú nghiêng mình kính trọng người Huế về ý thức sạch sẽ, ý thức bảo vệ môi trường sống. Đôi bờ sông Hương vốn đã đẹp, càng trở nên cổ tích khi không thấy có một sự lấn chiếm, xâm phạm đến môi trường ven sông. Tất cả đều như nguyên vẹn từ ngàn xưa, nước sông trong lững lờ trôi giữa đôi bờ biêng biếc xanh được điểm tô bằng những lùm hoa phượng vĩ đỏ rực. Người Huế hình như không muốn làm đau đến một ngọn cỏ nên tại các điểm thuyền du lịch trên sông Hương ghé bờ người ta cũng không cứng hóa các bến lên bằng các bậc bê tông sắc lạnh, mà chỉ là những lối cỏ vừa đủ cho du khách lên xuống thuyền. Ngay tại điểm lên thuyền ở trung tâm thành phố, hàng chục thuyền lớn nhỏ nhưng không thấy có rác trên sông, dưới bến sông từng đàn cá tung tăng kiếm mồi như trong ao nhà, tôi không thấy ai thả câu, giăng lưới.
Huế thật sạch. Hầu như các đường phố đều sạch như những nơi sạch nhất của Hà Nội. Rất hiếm người bán hàng rong, rất hiếm hàng quán lụp xụp chiếm dụng vỉa hè, rất hiếm những túi rác chính ình bốc mùi bên đường như Hà Nội. Ngoài nguyên nhân Huế đất rộng người thưa thì một nguyên nhân căn cốt nhất là người Huế rất sạch, sạch từ trong bản chất. Người Huế yêu quê hương xứ sở của mình, sống có trách nhiệm với mình, với cộng đồng nên đâu đâu cũng sạch. Người Huế sạch, phong cảnh Huế hữu tình, Huế có nhiều di sản độc đáo nên vô tình Huế là điểm hẹn du lịch thanh bình, du khách đến Huế năm sau nhiều hơn năm trước, số đông mong muốn quay trở lại nơi đây.

Phong cảnh bên bờ sông Hương.

 Du khách đến Huế mong muốn quay trở lại vì Huế đẹp, Huế sạch, và còn vì người Huế tốt bụng và tự trọng. Những hiện tượng đeo bám khách du lịch, nâng giá ép khách, chặt chém vô tội vạ hầu như ít xảy ra. Suốt một tuần chúng tôi lang thang ở Huế, nói giọng Bắc chính hiệu, nhưng người Huế không thấy đấy là những “con mồi béo bở” để vồ lấy mà bóp cổ nâng giá như nhiều nơi khác. Huế cứ bình thản vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Huế như cô gái đẹp, lại đoan chính, nên Huế giành được tình yêu của nhiều người.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Huế thì năm 2010, du khách nước ngoài đến Huế tăng đột biến. Tính đến tháng 11- 2010, Huế đón 1,4 triệu lượt khách, tăng 11,7% so với năm 2009, trong đó khách nước ngoài tăng 7,9%. Riêng Cố đô Huế, đến tháng 11- 2010, khách tăng 8,74% so với năm trước, khách trong nước cũng tăng so với cùng kỳ, bất chấp điều kiện kinh tế khó khăn. Năm 2011, theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thừa Thiên – Huế, mặc dù nhiều khó khăn khách quan như đầu năm phải đóng cửa sân bay Phú Bài một tháng để sửa chữa, nhưng du khách đến Huế vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm 2011, du khách đến Huế tăng khoảng 8%, trong đó du khách nước ngoài tăng 10%. Đó là một con số đáng mừng cho ngành du lịch nói chung, du lịch Huế nói riêng.
Thế đấy. Huế đẹp, sạch sẽ từ trong bản chất đã trở thành lực hút du khách gần xa. Người Huế sạch không phải vì tiền, thì tiền sẽ đến.
Theo  Xuân Bằng
(QĐND)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)