Mặc dù các trường ĐH, CĐ tại Huế đã đồng loạt tổ chức nhập học cho các tân sinh viên (SV) từ đầu tháng 9, nhưng hiện nhiều tân SV vẫn đang chật vật tìm phòng trọ bởi nhiều nơi đã kín phòng, chỗ còn phòng thì quá tồi tàn hoặc quá xa trường học.
Nhiều nơi “cháy” phòng trọ
Sau khi làm thủ tục nhập học NV2, bạn Hoàng Văn Nhâm (quê Quảng Trị), SV trường ĐH Khoa học Huế, cùng bố của mình là ông Hoàng Hạnh lặn lội khắp các con đường quanh ĐH Khoa học mong sớm tìm một chỗ trọ để nghỉ ngơi, nhưng không có nên trước mắt 2 bố con đành ở tạm tại nhà một người quen trên đường Xuân Diệu.
Cùng chung “cảnh ngộ” như Nhâm, bạn Nguyễn Thị Diệu (quê Nghệ An), SV Trường ĐH Nông lâm, thở dài : “Em cùng bạn bè đã đi tìm phòng trọ suốt 3 ngày nay nhưng đều nhận được chung một câu trả lời “hết phòng” nên đành phải ở ghép 4 người trong một phòng chỉ có 8m2 ở tít trong hẻm, vừa chật, vừa nóng rất bức bối”.
Bạn Hoàng Văn Nhâm, tân sinh viên ĐH Khoa học tìm phòng trọ tại một bảng tin trên đường Trần Phú, TP Huế
Không riêng gì khu vực xung quanh Trường ĐH Khoa học, Nông lâm mà tất cả các khu vực quanh các trường ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Sư phạm, ĐH Y dược, ĐH Phú Xuân đều trong tình trạng “cháy” phòng.
Hầu hết các nhà trọ trên địa bàn TP Huế đều là dãy nhà mái tôn cấp 4, được chia thành các phòng nhỏ với diện tích từ 6 đến 12m2, có bể nước, nhà vệ sinh chung và một giường ngủ, giá thành từ 350.000đ đến 450.000đ/tháng, nếu vệ sinh khép kín thì giá cao hơn từ 100.000đ đến 300.000đ – chưa tính tiền điện nước.
So với thời điểm này năm ngoái thì giá phòng đã tăng từ 50.000đ đến 200.000đ một phòng, dù đắt nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của SV. Nhiều nhà trọ mặc dù chưa xây xong nhưng cũng trong tình trạng “kín” phòng như ngôi nhà trọ mới xây nằm trên đường Duy Tân gồm một dãy nhà trệt với 10 phòng đã “được sinh viên đặt cọc thuê hết toàn bộ số phòng khi nhà trọ còn đang xây” – chị chủ nhà kể.
Do có người quen nhượng lại phòng nên Đỗ Thị Huệ (quê Thanh Hoá ), SV Trường ĐH Kinh tế, không phải mất công đi tìm nhà trọ. Nhưng Huệ vẫn cảm thấy rất khó khăn khi phòng trọ quá xa trường, mỗi lần đi học Huệ phải đi bộ mất hơn 30 phút. Thêm vào đó, phòng trọ của Huệ vừa mới đón thêm 2 đồng hương cũng là tân SV, vì không tìm được phòng trọ nên phải ở chung với nhau, “căn phòng nằm trên tầng 2 vốn đã nóng, nay ở 3 người càng thêm bí”, Huệ than thở.
Để ổn định chỗ ở, một số tân SV đã chọn cách vào xin ở tại các chùa trên địa bàn TP Huế. “Hoàn cảnh khó khăn mà phòng trọ lại quá đắt đỏ và khan hiếm nên em chọn cách xin vào một ngôi chùa trên đường Ấu Triệu để yên tâm học tập”, Nguyễn Văn Tuy (Phú Vang, TT Huế), cho biết.
Khổ vì chỗ ở
Để đáp ứng nhu cầu tìm phòng trọ cho các tân sinh viên các tỉnh thành trên cả nước đến nhập học, Đoàn thanh niên Trường ĐH Khoa học cũng đã tổ chức khảo sát và cung cấp hơn 200 địa chỉ nhà trọ cho các tân SV nhưng do nhu cầu quá cao nên khi liên lạc đến các địa chỉ này thì đều được thông báo đã hết phòng. Tại hệ thống phòng trọ trực tuyến tại trang web www.agreenet.vn (website cung cấp các địa chỉ phòng trọ tại TP Huế do giảng viên, sinh viên trường ĐH Khoa học Huế tạo lập và quản trị – PV) cũng trong tình trạng trên.
Bạn Võ Thuỳ Dung, SV năm nhất Trường ĐH Khoa học, cho biết khi đến thuê phòng tại một nhà trọn trên đường Duy Tân, Dung được chủ trọ “quảng cáo” là nơi cao ráo không sợ ngập nước, nhưng chỉ một vài trận mưa đầu mùa vừa qua, phòng trọ của mình đã bị nước mưa ứ đọng tràn vào phòng, “biết là vất vả là thế nhưng đành bất lực vì biết tìm đâu ra phòng trọ mới bây giờ”, Dung thở dài.
Không riêng gì các tân SV lần đầu đến Huế đang loay hoay tìm phòng trọ, mà ngay cả các SV đã học ở Huế nhiều năm nay, sau kì nghỉ hè đều được các chủ trọ thông báo tăng giá trọ từ 50.000đ đến 100.000đ/phòng, nhưng ai cũng ngậm ngùi chấp nhận, bởi việc tìm phòng mới tại thời điểm này là điều quá khó.
Thông tin về ký túc xá mới bị SV “lãng quên”
ĐH Huế có tất cả 6 khu ký túc xá. 5 trong số đó đã đầy 100% SV là: Tây Lộc (470 chỗ), Đống Đa (400 chỗ), Y Dược (370 chỗ), Đội Cung (470 chỗ) và Trường Bia – dành cho lưu học sinh nước ngoài (120 chỗ)
Riêng thông tin về chỗ khu ký túc xá lớn nhất của ĐH Huế là ký túc xá Trường Bia (đường Nguyễn Khánh Toàn, TP Huế) vừa mới khai trương đầu năm học này với hơn 3.000 chỗ ở với giá tương đối vừa túi tiền SV, ưu tiên cho các tân SV ở 4 trường, khoa thuộc ĐH Huế gần đó vào ở nhưng số SV đang ở hiện tại còn ít so với công suất.
Cụ thể một phòng 35m2 có nhà vệ sinh khép kín, 4 giường đôi ở được 8SV, mỗi em chỉ phải trả 80.000đ/tháng (chưa kể điện nước) – giá tiền rẻ khoảng từ 5 đến 7 lần hơn nhiều so với ở ngoài, tuy nhiên đến nay mới chỉ đón được hơn 1.000 em, đạt công suất gần 40%.
Khu Ký túc xá Trường Bia của ĐH Huế với chỗ ở khang trang, giá rất rẻ nhưng đã không được nhiều tân SV chú ý tới do nhiều lý do.
Ông Bùi Khắc Hiền, giám đốc Trung tâm phục vụ SV (ĐH Huế), cho hay “Dù chúng tôi đã ghi trong giấy nhập học cho các tân SV về thông tin ký túc xá mới này nhưng ít em tìm đến. Nguyên nhân do tâm lý thích ở ngoài dù giá cao hơn vì các em sẽ được tự do, thoải má hơn. Giờ đóng cửa ký túc xá là 11h đêm, trong khi đó ở ngoài có thể đi được lâu hơn.
Tiếp đến là hệ thống đường sá đi vào đây chưa được đảm bảo, các dịch vụ ăn uống vui chơi chưa được hoàn thành. Chưa kể tính đến yếu tố mưa bão làm một số SV nhập học chậm. Chúng tôi cũng có ý định thu hút thêm các SV từ nhiều trường khác về đây ở nhưng do đường xa, chưa có tuyến xe buýt nên các em ngại về. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu đạt chỉ tiêu chỗ ở hơn 50% vào năm nay và 100% vào năm học sau”.
Tân SV nhập học ở ĐH Huế có nhu cầu về chỗ ở có thể liên hệ với văn phòng Trung tâm Phục vụ Sinh viên – Đại học Huế, số 1 Điện Biên Phủ, TP Huế. Hoặc khu ký túc xá Trường Bia điện thoại: 054.3824198; Di Động: 0914.025.124; 0905.604.371. Hay truy cập vào website của ĐH Huế để biết thêm thông tin chỗ ở cần thiết: hueuni.edu.vn/ttpvsv; Email: tt.pvsv@hueuni.edu.vn
|
An Thái – Đại Dương
(Dân trí)
(Dân trí)
Bình luận (0)