Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hửng sáng xuất khẩu năm 2011

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2011 xuất khẩu (XK) đạt 96,257 tỉ USD, tăng 33,3% so với năm 2010, vượt xa mục tiêu (tăng 10% so 2010, tương ứng tổng kim ngạch 79 tỉ USD). Năm 2010 mới ở ngưỡng 70 tỉ USD, 2011 đã vọt lên ngưỡng 90 tỉ USD – một năm đã vượt qua 2 nấc 10 tỉ USD là rất ấn tượng.

Kể từ năm 1999 – lần đầu đạt 10 tỉ USD – mỗi năm sau đó chỉ qua một nấc 10 tỉ USD. Bức tranh hửng sáng trên hai trụ cột: Mặt hàng và thị trường.

Mặt hàng lên đời

Có 22 mặt hàng đạt từ 1 tỉ USD trở lên, trong khi năm 2000 chỉ có 4 mặt hàng, mà lúc đó dầu thô đứng đầu chỉ có 3,5 tỉ USD. Như vậy, không chỉ vượt trội về lượng mà “chất” cũng hoành tráng. Dệt-may tiếp tục quán quân. Đơn hàng được ký từ đầu năm, nhiều đơn hàng có giá trị cao giao hàng vào 6 tháng cuối năm – giá bán tăng – bên cạnh ba thị trường chính là Mỹ, EU, Nhật Bản, thêm Hàn Quốc trở thành thị trường XK lớn thứ tư, với kim ngạch gấp hơn hai lần năm 2010. Ba yếu tố đó tạo cho mặt hàng này đạt 14 tỉ USD, tăng 25,1% so với năm 2010, giữ vững ngôi hậu. Mới đây, Hiệp hội Dệt – May đã tham gia Liên đoàn các Nhà sản xuất dệt – may quốc tế (IMTF), là cơ hội để ngành dệt – may Việt Nam tiến xa.

“Hiện tượng” điện thoại và linh kiện, với 6,8 tỉ USD, tăng 197% so với năm 2010, vượt mặt giày dép, bám đuổi dầu thô, đứng thứ ba trong các mặt hàng chủ lực. Là sản phẩm của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, nó góp phần làm cho khối này tăng cao hơn mức tăng chung, càng cao hơn so với khối các doanh nghiệp 100% vốn trong nước (39% so với 26%).

Gạo – cơ hội mới, năm 2011 XK đạt kỷ lục 7 triệu tấn. Đây là hệ quả của một năm mùa vụ nào cũng bội thu, tổng sản lượng lúa cả năm đạt trên 40 triệu tấn, nên dù XK kỷ lục, an ninh lương thực vẫn giữ vững – giá lúa tăng – nông dân được cải thiện. Thị trường gạo thế giới hình thành 2 cấp, gồm nhu cầu gạo cấp thấp đến từ Ấn Độ và nhu cầu gạo cấp cao đến từ Thái Lan và Việt Nam. Việt Nam còn có cả gạo trung bình, nên sẵn sàng cạnh tranh với hai nước.

Cá tra sáng giá, không chỉ mặt hàng này đã vượt kim ngạch ngành thuỷ sản năm 2000, mà còn ở vị thế của nó trên thị trường Mỹ – từng nhiều phen bị bầm giập. Hiệp hội Thủy sản quốc gia Mỹ công bố danh sách 10 loại thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ năm 2010, trong đó cá tra đứng thứ chín, tăng một bậc so với năm 2009. Năm 2009 là năm đầu tiên cá tra lọt vào danh sách thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ và xếp thứ 10 với mức tiêu thụ bình quân từ 0,78kg/người, năm 2010 đã tăng lên 0,89kg/người, nên xếp thứ chín. Cá tra với cá rô phi, cá ngừ, cá tuyết – 4/10 loại thủy sản có mức tiêu thụ tăng so với năm trước, trong khi 6 loại còn lại mức tiêu thụ giảm, chứng tỏ cá tra ngày càng khẳng định được vị thế tại Mỹ – địa chỉ lớn nhất trong 133 thị trường nhập mặt hàng này của Việt Nam.

Da-giày hứa hẹn. EU chấm dứt áp thuế chống bán phá giá 10% đối với giày mũ da có xuất xứ Việt Nam – từng tháng phấn đấu tăng cao – từ đầu năm toàn ngành thêm trên 3,000 dây chuyền sản xuất giày mũ da, cặp, túi, ví; mở rộng 400 dây chuyền gò ráp và hoàn chỉnh sản phẩm. Đó là những yếu tố chính hợp sức đưa mặt hàng này cả năm XK đạt 6,5 tỉ USD – tăng 27% so với năm trước. Mỹ, Bỉ, Italia, Pháp, Tây Ban Nha là 5 thị trường NK chính mặt hàng này. Bồ Đào Nha, Philippines, Thái Lan mua còn khiêm tốn nhưng tỉ lệ tăng cũng khá cao.

Đồ gỗ giữ nhịp, với kim ngạch 3,9 tỉ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước, vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á và thứ 10 thế giới. Đồ gỗ Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Trung Đông…

Thị trường khởi sắc

Có 24 thị trường Việt Nam XK từ 1 tỉ USD trở lên. Top đầu là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tiếp đến 20 tên tuổi gồm: 9 thuộc Châu Âu, 1 thuộc Châu Đại Dương, 9 thuộc Châu Á, trong đó có 6 thuộc ASEAN, 1 thuộc Châu Phi là Nam Phi lọt vào danh sách này do nhập đá quý, kim loại quý từ Việt Nam, tăng 645% so với năm 2010. Việt Nam XK vào Mỹ bình quân 1,4 tỉ USD/tháng, khiến kim ngạch năm 2011 bằng tổng kim ngạch cả nước năm 2002.

Đã có 7 thị trường Mỹ, Thụỵ Sĩ, Campuchia, Australia, Anh, Hà Lan, Philippines, Việt Nam xuất siêu. Đứng đầu là Mỹ, Việt Nam xuất siêu hơn 10 tỉ USD, gấp đôi số Việt Nam xuất siêu vào EU. “Chợ” Campuchia không lớn nhưng đã xuất siêu đáng kể, bằng những mặt hàng chẳng cao sang gì. Đột xuất tháng 7.2011 cả nước xuất siêu 1 tỉ USD. Trong tổng thể Việt Nam nhập siêu, còn nhập siêu, “những ánh sao băng” nói trên góp phần làm tỉ lệ nhập siêu năm 2011 thấp nhất trong nhiều năm gần đây, thấp nhiều so với chỉ lệnh của Nhà nước, hé lộ đích cân bằng nhập – xuất khá gần.

Đó là kết quả của sự bền bỉ phấn đấu, chỉ đạo quyết liệt, với nhiều giải pháp mạnh, ứng phó kịp thời với phức tạp của tình hình. Thành công này là sự khởi đầu không thể suôn sẻ hơn trong hành trình 5 năm, 10 năm tới, góp phần để kinh tế tăng cao, tạo đà bước năm 2012; là sự minh chứng không thể tốt hơn về thành quả sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Với kết quả năm nay, sang năm 2012, chỉ cần tăng 10%, Việt Nam gia nhập câu lạc bộ các nền kinh tế xuất khẩu 100 tỉ USD. Tất nhiên, với thế và lực đã có, không thể bằng lòng với mục tiêu đó.

Nguyễn Duy Nghĩa

Theo Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)