Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hùng thiên Quốc ca

Tạp Chí Giáo Dục

Các thành viên Ban tổ chức cuộc thi “Clip hát Quốc ca”

Từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi sáng thứ hai, dưới lá cờ đỏ sao vàng, mỗi chúng ta ai cũng đã từng cùng bạn cất vang bài hát Quốc ca. Nhưng có ai đó, đã bao giờ nghĩ rằng mình sẽ hát Quốc ca thiêng liêng tại các địa danh như đỉnh Phan Xi Păng, thác Bản Giốc, Mũi Cà Mau, cột cờ Hà Nội…
Có thể hát mộc, có thể hát với nhạc cụ dân tộc hay dàn nhạc, có thể là một gia đình, một dòng họ nổi tiếng cùng hát, có thể là các em bé đánh giày cất tiếng ca… Có thể hát mọi lúc, mọi nơi bằng tất cả trái tim và niềm tự hào dân tộc…
Có nhiều cách để thể hiện tình yêu nước
Ngày đông cuối năm, giữa những trận gió mùa Đông bắc thao thiết thổi, trong không gian cà phê sách ấm cúng – chúng tôi  cùng trò chuyện về tình yêu… hát Quốc ca. Đó là cuộc thi clip hát Tiến quân ca do bảy thành viên thế hệ 7X, 8X khởi xướng
Họ là những người trẻ thành công trong nhiều lĩnh vực và cùng chung niềm say mê âm nhạc, và theo họ, có nhiều cách khác nhau để thể hiện tình yêu Tổ quốc. Cũng như nhiều người Việt khác, họ có chung niềm xúc động dâng trào, rưng rưng khi xem hình ảnh những vận động viên, học sinh, sinh viên Việt Nam đăng quang, đoạt giải ở các đấu trường quốc tế và khu vực trong giai điệu Tiến quân ca cùng hình ảnh cờ Tổ quốc được kéo lên. Và có những clip khiến họ rất cảm động như hình ảnh những học sinh câm điếc hát Quốc ca bằng tay trong ánh mắt trang nghiêm, một cách thể hiện tình yêu Tổ quốc rất riêng.
Anh Vũ Trường Giang có hai con trai 14 và 5 tuổi. Trong kí ức của anh cũng như nhiều người, được cất tiếng hát Quốc ca vào những ngày thứ hai đầu tuần ở sân trường hoặc những dịp lễ thiêng liêng trọng đại đã trở thành kí ức không thể phai mờ. Song cuộc sống bộn bề trôi đi, có những bạn không thuộc Quốc ca…  Nhưng từ khi có ý tưởng về cuộc thi này, anh mới thấm thía hơn từng ca từ, chẳng hạn như tại sao lại “xây xác”… Nếu thế hệ của anh cũng như nhiều người trước đây tự hát Quốc ca dưới sân trường mỗi sáng thứ hai thì giờ đây các trường đều có sẵn loa đài và hầu hết học sinh đều không cảm nhận sâu sắc. Vì thế, anh thường giải thích rất kĩ lưỡng cho các con hiểu tại sao Quốc ca lại trường tồn cùng dân tộc, để các con cảm nhận sâu sắc hơn về Tổ quốc.
Nguyễn Minh Tiệp, một thành viên của nhóm tổ chức cuộc thi từng có nhiều năm du học tại Pháp thì lại có cái nhìn khác: “Tôi nhớ hồi đó cứ dịp Quốc khánh Việt Nam, chúng tôi thường tới Đại sứ quán Việt Nam để dự buổi gặp mặt. Điều đọng lại từ những lần đó là cảm xúc khi chúng tôi cùng nhau hát Quốc ca. Có lẽ rất khó diễn đạt cảm xúc “sởn gai ốc” khi mình hát Quốc ca bằng thứ tiếng của dân tộc mình cho người nước ngoài nghe. Dường như hát Quốc ca ở một vùng đất khác, không phải trên đất nước, quê hương mình thì chính là khi mình thể hiện lòng yêu nước dễ dàng hơn bao gờ hết” – Tiệp chia sẻ. 
Còn chàng cựu sinh viên Lê Quang Vũ, trưởng nhóm, lại nhớ về những năm tháng học tập ở Nga, “Hồi đó, an ninh rất bất ổn đến nỗi mỗi lần đi đâu đó vào ban đêm, chúng tôi thường phải tụ lại với nhau và không ai dám đi riêng lẻ. Có những lần trong đêm khuya giữa xứ lạ, chúng tôi có việc phải ra ngoài, ai cũng có cảm giác lo âu, căng thẳng, phải vừa đi vừa hát để giữ vững tinh thần cho nhau. Rồi lan man, chúng tôi chọn cả Tiến quân ca để hát. Và thật lạ lùng, dường như có một sức mạnh nào đó lan tỏa kì diệu, chúng tôi thật sự vững tin và không còn đơn độc nữa”.
Hát Quốc ca, tại sao không?
Lê Quang Vũ cho biết: “Khi chúng tôi chia sẻ ý tưởng về cuộc thi, có nhiều người hỏi rằng, làm xong chương trình này liệu có yêu nước hơn không? Rồi có mỗi bài Quốc ca, hát không sợ nhàm sao? Và để trả lời câu hỏi đó thì chúng tôi phải bắt tay vào làm”.
“Bản thân giai điệu của Tiến quân ca đã rất hay, và mỗi người hát, mỗi người dành cho nó một tình yêu một khoảng lặng nào đó thì sẽ có một cảm xúc khác nhau – tại sao chúng ta lại không phối lại với rock, thậm chí với đàn môi…” – Quang Vũ chia sẻ. Thế nên, ngay khi bắt đầu ý tưởng, đã có một số thành viên nhóm nhạc dự định sẽ làm bản phối khác cho Tiến quân ca, hay một người quản trị của trang web dạy học guitar cũng bày tỏ ý định sẽ soạn bài dạy Tiến quân ca.
Vũ nói: “Trên thực tế, có nhiều ý tưởng hát Tiến quân ca mà chúng tôi thấy hay, ví dụ như hát Tiến quân ca ở những địa danh nổi tiếng, thiêng liêng như trên đỉnh Phan Xi Păng, thác Bản Giốc, Mũi Cà Mau… Có thể hát mộc, có thể hát với nhạc cụ dân tộc hay dàn nhạc, có thể là một gia đình, một dòng họ nổi tiếng cùng hát, các em bé đánh giày, hay thậm chí trong các đám cưới – chúng ta hãy xóa bỏ sự ngại ngần, hát Quốc ca mọi lúc mọi nơi bằng cảm xúc dâng trào, tại sao không?… Tuy nhiên nguyên tắc của chúng tôi là không áp đặt, lôi kéo mà muốn những người tham gia đều tự nguyện, đều đến với cuộc thi bằng tình yêu đất nước, sự yêu mến bài Quốc ca”.
Và thực tế, ngoài những clip các thành viên thu thập trên mạng, đã có những clip đầu tiên khá ấn tượng được gửi về. Đó là clip của một khán giả tại TP.HCM đã đưa bài Tiến quân ca làm nhạc nền suốt chiều dài lịch sử từ thời bà Trưng, bà Triệu tới ngày nay; đó là clip của một người chị, họ ghi hình một cậu bé 4 tuổi hát Quốc ca còn ngọng nghịu nhưng lại rất đỗi xúc động và tự hào; đó là clip một người cha thổi kèn acmonica cho cậu con trai ba tháng tuổi thể hiện tình yêu đất nước theo cách riêng của bé, bằng nhịp điệu của tay chân quẫy đạp và tiếng u ơ dễ thương hòa theo giai điệu Tiến quân ca
Quốc ca là bài hát thiêng liêng của Tổ quốc, là tiếng nhạc của đất nước ngân vang trong những thời khắc lịch sử, là niềm vui bất tận trong những chiến thắng rợp cờ sao, là cảm hứng dâng trào khi chúng ta đặt tay lên trái tim và hát “Tiến lên, cùng tiến lên…”. Quốc ca là lời hiệu triệu toàn dân đồng lòng vì một “nước non Việt Nam ta vững bền”. “Phải làm sao để hát Quốc ca giống như sự tự thân, bản thân mình muốn hát như là tình yêu trong lòng mình chẳng thể kìm nén được. Chúng tôi chỉ là những người nhóm lên một ngọn lửa nhỏ, gợi ra một cái gì đó nhỏ nhoi và sức lan tỏa tới đâu vẫn còn ở phía trước”, các thành viên chia sẻ.
Khi viết những dòng này, bất giác tôi nhớ tới lời một cậu con trai nhỏ hỏi cha mình khi xem một trận bóng lớn ở Sân vận động Mỹ Đình: “Cha ơi, màu đỏ dập dềnh trên khán đài kia là gì vậy?”, người cha trả lời: “Con ơi, đó là Tổ quốc”. Và tôi nhớ tới, những dòng nhật kí đẹp tới nao lòng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trong Mãi mãi tuổi 20 của hơn 40 năm trước, trong dịp anh cùng 3.000 sinh viên Hà Nội đứng dưới sân trường Tổng hợp ngày nhập ngũ (6-9-1971), đại ý, bài Quốc ca mình đã nghe bao lần, lá cờ Tổ quốc mình đã nhìn bao lần, nhưng hôm nay mình mới thấm thía, đó là máu của chính mình…
Và dù cho thời gian và năm tháng qua đi, cuộc sống đã đổi thay nhiều lắm, nhưng những giá trị, tình yêu, niềm tự hào dân tộc dường như vẫn âm thầm chảy trong trái tim mỗi người Việt, khi bạn đặt tay lên ngực trái và hát Quốc ca…
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Cuộc thi clip hát Tiến quân ca bắt đầu từ ngày 15-11-2011 đến hết 15-3-2012. Các thành viên của nhóm cho biết đã bỏ tiền túi để làm tiền thưởng cho những clip được giải với tổng trị giá 120 triệu đồng. Sẽ có giải thưởng cộng đồng dành cho những clip được nhiều người ủng hộ, bầu chọn và giải thưởng của Ban giám khảo. Ngoài ra, có những giải khác dành cho người hát Tiến quân ca nhỏ tuổi nhất, clip hát Tiến quân ca ở những địa điểm có ý nghĩa nhất, clip hát Tiến quân cathu hút đông người nhất… 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)