Hungary cảnh báo về “ý tưởng điên rồ” của NATO, trong khi Ukraine tiếp tục tập kích kho dầu ở Krasnodar của Nga.
"NATO đang tự đẩy mình vào chân tường bằng cách khuấy động cuộc chiến chống Nga" – ông Szijjarto nói với các phóng viên trước thềm cuộc họp.
Nhà ngoại giao hàng đầu quốc gia thuộc khối NATO này cảnh báo sự kiện "có thể dẫn đến xung đột leo thang hơn nữa và tạo ra một tình huống cực kỳ nguy hiểm".
"Tôi tin rằng với sự hiện diện của Washington và London sẽ càng khuấy động thêm bầu không khí ủng hộ xung đột hơn bao giờ hết" – ông Szijjarto cảnh báo – "Với bầu không khí như vậy sẽ có thêm nhiều ý tưởng điên rồ được ủng hộ".
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: RT
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary lý giải việc cho phép Kiev sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga là một trong những "ý tưởng điên rồ".
Ông nói, quân đội Nga không thiếu những loại vũ khí hiện đại và sẽ "bắn trả". "Kết quả sẽ thế nào? Chết chóc nhiều hơn. Các chuyến hàng quân sự làm tăng số lượng vũ khí ở cả hai bên chiến tuyến, gây ra nhiều thương vong hơn".
Vấn đề cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga đã trở thành chủ đề nóng ở phương Tây trong những tuần gần đây.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Cameron hồi đầu tháng 5 tuyên bố rằng Kiev có mọi quyền sử dụng vũ khí của Anh để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga.
Tiếp đến, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các quốc gia phương Tây viện trợ vũ khí tầm xa cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong Nga.
Hiện tại một số quốc gia thành viên NATO đã "hưởng ứng" lời kêu gọi của ông Stoltenberg như Latvia, Ba Lan, Pháp, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch …
New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ (giấu tên) cho biết Tổng thống Joe Biden cũng đã thay đổi lập trường, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Washington để tấn công lãnh thổ Nga.
Quan chức này lưu ý thêm rằng việc sử dụng vũ khí Mỹ tấn công chỉ áp dụng cho các mục tiêu bên trong nước Nga nhưng gần biên giới với khu vực Kharkov của Ukraine.
"Chính sách của chúng tôi về việc cấm sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS hoặc tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga không thay đổi" – quan chức Mỹ nhấn mạnh.
Ukraine khai hỏa hệ thống HIMARS được Mỹ cung cấp. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tuần cảnh báo rằng các đồng minh của Ukraine cần hiểu việc Kiev sử dụng vũ khí phương Tây tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga sẽ dẫn đến "hậu quả nghiêm trọng".
Trong bối cảnh đó, Moscow cáo buộc Kiev vẫn tiếp tục sử dụng máy bay không người lái (UAV) tập kích gây bốc cháy một kho dầu ở khu vực Krasnodar – Nga hôm 31-5.
Thống đốc Krasnodar Veniamin Kondratyev cho biết vụ tập kích khiến 2 người bị thương và đám cháy đã được khống chế.
Ukraine hiện chưa lên tiếng về vụ việc, Reuters cũng không thể xác minh độc lập thông tin từ phía Nga.
Theo Bằng Hưng/NLĐO
Bình luận (0)