Hungary cuối tuần qua từ chối gặp phái đoàn Mỹ liên quan đến việc gây thêm sức ép để chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO.
Các nhà lập pháp thuộc đảng Fidesz cầm quyền của ông Orban và các bộ trưởng chính phủ đều từ chối gặp các thượng nghị sĩ Mỹ, tất cả đều là những người ủng hộ Ukraine mạnh mẽ.
Theo tờ The New York Times, sự lạnh nhạt của Hungary mà Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Murphy mô tả hôm 18-2 là "kỳ lạ và đáng lo ngại", cho thấy ông Orban sẽ không chịu áp lực từ bên ngoài đối với sự mở rộng của NATO.
Ông Orban nhấn mạnh hôm 17-2 là "Hungary trên hết", đồng thời nói rằng chính sách hỗ trợ Ukraine của châu Âu đã "thất bại thảm hại".
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Reuters
Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, đồng chủ tịch Nhóm quan sát NATO của Thượng viện Mỹ, hôm 18-2 cho rằng: "Tôi thất vọng khi phải nói rằng không ai trong chính phủ Hungary gặp chúng tôi khi chúng tôi ở đây".
Phát biểu trước đó một ngày tại thủ đô Budapest – Hungary, ông Orban đã nhắc lại cam kết trước đó là để Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự càng sớm càng tốt.
Ông nói: "Chúng tôi đang chuẩn bị phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO vào đầu phiên họp mùa xuân của quốc hội".
Ông Orban không đưa ra ngày cụ thể nhưng các nhà lập pháp dự kiến nhóm họp lại vào cuối tháng 2 sau kỳ nghỉ đông. Trước đó, các nghị sĩ đảng Fidesz đã tẩy chay phiên họp quốc hội do phe đối lập kêu gọi hồi đầu tháng 2 để phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.
Sau hơn 18 tháng trì trệ, Hungary đã phải chịu áp lực mạnh mẽ từ Mỹ và các thành viên khác trong liên minh 31 quốc gia thành viên để chấp nhận Thụy Điển, quốc gia có quân đội lớn hơn và tối tân hơn nhiều so với Hungary.
Các nghị sĩ Mỹ đến Hungary bày tỏ sự lạc quan rằng ông Orban sẽ sớm chấp thuận sự gia nhập của Thụy Điển, giống như việc ông phê duyệt gói viện trợ của Liên minh châu Âu cho Ukraine trị giá 54 tỉ USD hồi tháng 1.
Thượng nghị sĩ Thom Tillis kêu gọi Hungary hiểu rằng hành động của Tổng thống Vladimir Putin là lý do khiến NATO phải mở rộng. Hungary từ lâu vốn phản đối việc gửi vũ khí tới Ukraine và duy trì mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Putin.
Ông Tillis nhấn mạnh mọi thành viên của liên minh nên hiểu rằng phản ứng trước các hành động của Nga phải là một NATO mạnh mẽ hơn và không có cách nào tốt hơn để làm điều đó ngoài việc thừa nhận Thụy Điển.
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)