Gừng có thể giảm tiêu chảy, buồn nôn, hỗ trợ tiêu hóa và không nên dùng quá 4 gram mỗi ngày.
Gừng là nguồn chất chống oxy hóa tốt, có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và kháng virus. Nhưng nó không cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất hoặc calo. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, hai muỗng cà phê gừng chỉ cung cấp 4 calo và không có một lượng đáng kể chất dinh dưỡng.
Gừng đã được sử dụng trong nấu ăn và làm thuốc từ thời cổ đại. Nó là biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà phổ biến cho chứng buồn nôn, đau dạ dày và các vấn đề sức khỏe khác. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) xem củ gừng an toàn với khuyến nghị tiêu thụ hàng ngày không vượt quá 4 gram. Tuy nhiên, FDA không khuyến nghị dùng chất bổ sung gừng.
Hầu hết các nghiên cứu về gừng đã xem xét liều lượng từ 250 miligam (mg) đến một gram, dùng từ 1-4 lần mỗi ngày. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Quốc gia và Công nghệ Thực phẩm của Iran năm 2018 cho thấy, các enzym trong gừng có thể phá vỡ và loại bỏ khí trong đường ruột, giảm cảm giác khó chịu. Gừng giúp tăng cường chuyển động qua đường tiêu hóa, làm giảm hoặc ngăn ngừa táo bón. Gừng cũng có thể tác động có lợi trên men lipase tuyến tụy, hỗ trợ tiêu hóa ở ruột non.
Một đánh giá năm 2020 của Cao đẳng Dược – Đại học Quốc gia Seoul (Hà Quốc) và Khoa Y, Đại học Quốc gia TP HCM chỉ ra, gừng có thể giúp giảm ốm nghén và giảm buồn nôn sau khi điều trị ung thư. Một đánh giá năm 2016 của Tây Ban Nha cho thấy, hai hợp chất gingerols và shogaols có mùi thơm có thể hiệu quả trong việc ngăn ngừa buồn nôn và nôn. Tuy nhiên, số lượng của các hợp chất này có thể khác nhau, tùy thuộc vào từng loại gừng. Theo các nhà nghiên cứu, gừng khô, tiếp theo là gừng tươi và trà gừng bột có nồng độ gingerol cao nhất.
Trà gừng có thể làm dịu các vấn đề về rối loạn tiêu hóa.
Gừng an toàn và được dung nạp tốt, ít rủi ro liên quan cho người bệnh đau dạ dày hoặc tiêu chảy. Nếu tiêu chảy biến mất sau khi dùng 0,5 gram gừng thì không cần tăng liều lượng. Giống như các biện pháp tự nhiên, gừng không phải là phương pháp điều trị dứt điểm các vấn đề về đường tiêu hóa và không thể thay thế cho thuốc điều trị. Tiêu chảy nặng có thể gây mất nước và người bệnh cần thăm khám sớm.
Gừng có thể có nhiều công dụng giảm tiêu chảy như giảm ốm nghén, say tàu xe, ngộ độc thực phẩm. Một nghiên cứu tổng hợp phân tích trên 576 người lớn bị ung thư phát hiện ra, dùng liều lượng 0,5 gram và một gram gừng có hiệu quả nhất trong việc giảm buồn nôn.
Cách tốt nhất để hấp thụ gừng là ở dạng tự nhiên, phổ biến là uống trà gừng. Bạn có thể mua nước gừng, trà gừng tại các cửa hàng hoặc tự pha tại nhà. Bạn nên chọn củ gừng tươi và cạo 1,5 thìa cà phê gừng tươi, đun sôi 4 cốc nước và cho thêm gừng vào nước. Sau đó, bạn tắt bếp và để gừng ngâm trong khoảng 5-10 phút, lọc lấy nước bỏ gừng. Bạn chờ nước nguội hoặc cho vào tủ lạnh để thưởng thức dần.
Gừng có vị nồng, có thể thêm mật ong hoặc chanh để cải thiện hương vị, dễ uống hơn. Ngoài những tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa, gừng còn có thể giảm viêm, giảm đau, hỗ trợ sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ ung thư… Tuy nhiên, trước khi thêm gừng vào chế độ ăn uống hoặc dùng thực phẩm bổ sung gừng, nhất là phụ nữ mang thai và cho con bú, người có tiền sử dị ứng thực phẩm nên hỏi ý kiến của bác sĩ. Bởi một số chất bổ sung có thể tương tác với thuốc.
Bạn có thể thử bắt đầu với một gram gừng hoặc ít hơn mỗi ngày, sau đó tăng dần liều lượng; theo dõi cẩn thận các triệu chứng và kiểm tra tác dụng phụ nếu có.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)