- 1 Hướng dẫn học sinh ngồi phía sau xe mô tô an toàn
Bên cạnh việc tuân thủ Luật Giao thông thì kỹ năng tham gia giao thông cũng rất quan trọng. Nếu nắm được kỹ năng, các em học sinh sẽ xử lý được những tình huống bất ngờ, tránh được tai nạn đáng tiếc.

Ngồi đúng tư thế
Trường Tiểu học Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) vừa tổ chức chương trình tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh và giáo viên toàn trường. Trong chương trình, Đại úy Phan Thành Nghĩa – Bí thư Chi đoàn Trạm CSGT Tân Túc đã hướng dẫn học sinh nhiều kỹ năng trong đó chú trọng kỹ năng ngồi trên xe mô tô an toàn.
“Hằng ngày các em đều được phụ huynh đưa đón từ trường về nhà và ngược lại. Nhiều người cứ nghĩ chỉ có người trực tiếp lái xe mới cần kỹ năng nhưng người ngồi phía sau cũng phải lưu ý để trong những trường hợp cần thiết có thể xử lý được tình huống”, Đại úy Nghĩa chia sẻ với học sinh.
Hướng dẫn cho học sinh, Đại úy Nghĩa cho biết, tư thế ngồi phía sau xe mô tô an toàn là hai đùi khép vào hông người lái xe, hai tay ôm nhẹ vào eo của người lái xe hoặc một tay ôm vào eo và một tay bám vào tay bám phía sau xe. Trong lúc ngồi, các em không nghiêng người sang bên phải hoặc bên trái, vì điều này làm mất cân bằng của xe. Tuy nhiên, lại có người có thói quen ngồi lệch qua một bên do mặc váy và trang phục bất tiện, đây là tư thế ngồi sai dẫn đến xe bị mất cân bằng và nếu gặp tình huống nguy hiểm rất có thể sẽ có những chấn thương nghiêm trọng.

Trong quá trình tham gia giao thông, người ngồi phía sau xe không nên nói chuyện lớn tiếng, hò hét khiến người lái xe mất tập trung. Nếu gặp tình huống nguy hiểm, chúng ta đừng sợ hãi hoặc hối thúc người lái, hãy tin tưởng và giữ bình tĩnh. Vì rất có thể, chỉ vì sự nóng vội của người ngồi phía sau mà cả hai đều gặp nguy hiểm.
Khi tham gia giao thông, đặc biệt là đối với phương tiện xe mô tô, chúng ta sử dụng trang phục gọn gàng, lưu ý luôn đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng và đúng cách, không phải là biện pháp để đối phó với CSGT, hãy thực sự coi trọng tính mạng của mình bằng những hành động đúng đắn. Khi phanh, thân mình sẽ đổ về phía trước theo lực quán tính. Do đó, người ngồi sau phải giữ chặt chân, khép gối sao cho thân mình không bị di chuyển. Tại các khúc cua, nghiêng người theo chiều nghiêng của người cầm lái (chuyển động đồng nhất).
Quan sát kỹ
Đối với trường hợp đi bộ, CSGT cũng lưu ý các em nhiều quy tắc. Cụ thể, khi tham giao thông đường bộ, các em phải đi trên hè phố, đi sát mép đường về phía tay phải, đi đúng phần đường, làn đường dành cho người đi bộ. Các em cần nắm vững cách qua đường an toàn ở nơi không có điều kiện an toàn (không có vạch kẻ đường, không có đèn tín hiệu, nơi có đoạn đường bộ giao nhau với đường sắt…). Khi đi bộ qua đường, chúng ta không được vượt qua dải phân cách, đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy, qua đường ở gần phía trước hoặc sau xe ô tô đang đỗ.

Trong lúc đi bộ qua đường, học sinh có thể dừng lại bên đường, quan sát hai bên đường, lắng nghe tiếng động cơ ô tô, xe máy cẩn thận. Các em có thể giơ tay ra hiệu xin qua đường và chọn thời điểm thích hợp (có ít xe qua lại), nhìn bên trái tránh phương tiện cơ giới từ chiều bên trái tới, đi thẳng, đến giữa đường quay sang nhìn bên phải tránh phương tiện cơ giới từ bên phải tới. Không được qua đường nơi tầm nhìn bị che khuất vì có thể gây nguy hiểm cho học sinh.
Trẻ em là tương lai của đất nước. Việc đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ em được Nhà nước rất quan tâm và đã ban hành nhiều nghị định, trong đó có Nghị định 168. Điểm đáng chú ý là quy định này vẫn cho phép trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi ngồi phía trước người lái, bởi đây là nhu cầu thực tế khi cha mẹ chở con nhỏ và cần đảm bảo sự an toàn cho trẻ. |
Trẻ em là tương lai của đất nước. Việc đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ em được Nhà nước rất quan tâm và đã ban hành nhiều nghị định, trong đó có Nghị định 168. Điểm đáng chú ý là quy định này vẫn cho phép trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi ngồi phía trước người lái, bởi đây là nhu cầu thực tế khi cha mẹ chở con nhỏ và cần đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Trẻ dưới 6 tuổi còn nhỏ, khó tự giữ thăng bằng khi ngồi phía sau, nên việc ngồi phía trước giúp cha mẹ dễ dàng quan sát và bảo vệ trẻ hơn. Tuy nhiên, từ 6 tuổi trở lên, trẻ đã có khả năng ngồi độc lập phía sau, đồng thời việc ngồi phía trước người lái không còn phù hợp vì có thể cản trở thao tác điều khiển xe và tăng rủi ro trong trường hợp bất ngờ. Quy định này không chỉ là biện pháp bảo vệ người tham gia giao thông mà còn là lời nhắc nhở để phụ huynh cân nhắc kỹ lưỡng hơn về cách di chuyển an toàn cho con em mình, đồng thời tạo ra thói quen giao thông đúng đắn ngay từ những hành động nhỏ nhất.
Kiều Khánh
Bình luận (0)