Phải bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 – đó là thông báo của Bộ GD-ĐT gửi tới các Sở GD-ĐT để chỉ đạo các trường THPT thực hiện giảng dạy, học tập và ôn tập kiến thức cho học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2008 tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) sáng 28-5 – Ảnh: Quốc Dũng |
(gồm các môn Toán, Văn, Lý, Sinh, Sử, Địa, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc)
Các trường THPT phải tiếp nhận thí sinh tự do đến ôn tập
Trong văn bản hướng dẫn gửi tới các Sở GD-ĐT ngày 27-3, Bộ GD-ĐT khẳng định cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2009 như sau: Đối với các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn gồm hai phần: phần chung cho tất cả thí sinh ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn (CTC) và chương trình nâng cao (CTNC). Phần riêng cho thí sinh học theo từng chương trình: CTC hoặc CTNC. Thí sinh học chương trình nào (CTC hoặc CTNC) phải làm phần riêng của đề thi ứng với chương trình đó.
Đối với các môn ngoại ngữ: đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa CTC và CTNC, không có phần riêng.
Học sinh là thí sinh tự do, theo quy chế, thí sinh tự do cũng phải thi đủ các môn thi, theo nội dung thi, hình thức thi quy định của năm tổ chức kỳ thi. Vì vậy, các thí sinh tự do sẽ căn cứ vào chương trình, sách giáo khoa hiện hành và hướng dẫn ôn tập của từng môn thi để bổ túc thêm kiến thức chưa được học.
Thí sinh tự do có thể chủ động liên hệ với trường THPT, nơi đăng ký dự thi, để tham gia ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Các trường có thí sinh tự do tạo điều kiện cho các em được tham gia ôn tập chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cho kỳ thi – Bộ GD-ĐT khẳng định.
Làm phần tự chọn ra sao?
Thí sinh cần đặc biệt lưu ý cách làm phần riêng của đề thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, thí sinh học chương trình nào (CTC hoặc CTNC) phải làm phần riêng của đề thi, ứng với chương trình đó. Thí sinh làm cả hai phần riêng của đề thi thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần riêng của đề thi.
Đối với thí sinh học ban Khoa học tự nhiên sẽ làm bài theo nguyên tắc sau: các môn thi là ngữ văn, lịch sử, địa lý: làm phần riêng của đề thi ứng với CTC; các môn thi là toán, vật lý, hóa học, sinh học: làm phần riêng của đề thi ứng với CTNC.
Thí sinh học ban Khoa học xã hội và nhân văn làm bài như sau: các môn thi là ngữ văn, lịch sử, địa lý: làm phần riêng của đề thi ứng với CTNC; các môn thi là toán, vật lý, hóa học, sinh học: làm phần riêng của đề thi ứng với CTC.
Đối với thí sinh học ban Cơ bản, các môn học theo CTC, sách giáo khoa biên soạn theo CTC (kể cả môn học theo CTC, sách giáo khoa biên soạn theo CTC và có học một số chủ đề tự chọn nâng cao): làm phần riêng của đề thi ứng với CTC. Các môn học theo CTNC, sách giáo khoa biên soạn theo CTNC: làm phần riêng của đề thi, ứng với CTNC.
Thí sinh học trong trường THPT kỹ thuật: làm phần riêng của đề thi ứng với CTC đối với tất cả các môn thi. Riêng thí sinh tự do: được quyền chọn một phần riêng thích hợp của đề thi để làm bài.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, năm học 2008-2009, riêng môn ngoại ngữ vẫn đồng thời thực hiện hai chương trình: chương trình ngoại ngữ 3 năm của chương trình THPT không phân ban và chương trình ngoại ngữ 7 năm của chương trình THPT hiện hành. Môn ngoại ngữ sẽ có đề thi theo chương trình ngoại ngữ 3 năm của chương trình THPT không phân ban dành cho những thí sinh học theo chương trình này.
Cần tổ chức cho học sinh thi thử
Đó là một yêu cầu của bộ đối với các sở và các trường THPT trong việc tổ chức ôn tập cho học sinh. Bộ yêu cầu các Sở GD-ĐT hướng dẫn các trường THPT chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên dạy môn thi chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo việc ôn tập phù hợp với điều kiện địa phương, với khả năng nhận thức của học sinh, cần tổ chức ôn tập nhiều vòng.
Trong đó có phần ôn tập theo từng chủ đề, nội dung trong mỗi chủ đề có thể bao gồm kiến thức, kỹ năng của các bài, các chương khác nhau. Sau đó ôn tập tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu chương trình lớp 12. Các trường cũng cần tổ chức làm một số đề thi thử theo cấu trúc đề thi đã được Bộ GD-ĐT thông báo giúp học sinh nắm vững hình thức thi và cách thức làm bài thi.
Các trường và giáo viên trực tiếp giảng dạy phải phân loại học sinh theo khả năng nhận thức, tập trung nhiều hơn cho những học sinh học lực yếu; cử giáo viên có khả năng và kinh nghiệm chuyên môn, những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, ngoài thời gian ôn tập theo kế hoạch ôn tập của các trường THPT, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi – Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
THANH HÀ (TTO)
Bình luận (0)