Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Hướng dẫn xin cấp thị thực: đi du học tại Đức

Tạp Chí Giáo Dục

 

Người đặt đơn xin cấp thị thực phải trực tiếp đến nộp hồ sơ tại Phòng Thị thực của Đại sứ quán (Giờ mở cửa: Thứ hai đến Thứ sáu, từ 8.30 đến 11.30 giờ). Đại sứ quán chỉ nhận những đơn đã được khai đầy đủ. Tất cả các giấy tờ cần nộp kèm theo hai bản sao. Bộ hồ sơ gốc sẽ được trả lại cho người đặt đơn sau khi có quyết định về đơn xin cấp thị thực. Những giấy tờ và văn bằng (bản chính hoặc bản sao công chứng) cần phải nộp kèm theo:
1.   Đơn xin cấp thị thực (3 bản; mẫu đơn được phát miễn phí tại Đại sứ quán)
      Đơn có thể khai bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh.
2.   4 ảnh mới chụp nền trắng (Ghi họ tên và ngày tháng năm sinh vào mặt sau của ảnh).
3.   Hộ chiếu Việt Nam hợp lệ có chữ ký của người mang hộ chiếu.
4.   Bảng tóm tắt quá trình học tập công tác bắt đầu từ khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Cần ghi rõ cả thời gian sinh viên không đi học và cũng không đi làm.
5.   Chứng minh tài chính cho thời gian cư trú tại Đức:
a)  Du học tự túc:
Giấy chứng nhận có tài khoản tại một ngân hàng Đức với số tiền tối thiểu là 7.020,- Euro. Tài   khoản này phải là tài khoản giới hạn (Sperrkonto) để mỗi tháng chỉ được rút tối đa 585,- Euro.
             
b) Được bà con họ hàng hoặc người quen tại Đức bảo lãnh:
Người bảo lãnh phải cam kết với Sở Ngoại kiều chịu tất cả các phí tổn cho người đặt đơn trong suốt thời gian du học. Giấy cam kết này có hai loại:
–  Theo mẫu thống nhất toàn Liên bang và được Sở Ngoại kiều xác minh về khả  năng tài chính, hoặc
–  Giấy cam kết bảo lãnh không theo mẫu có chứng thực chữ ký, chứng nhận thu nhập của 3tháng gần nhất và hợp đồng thuê nhà của người bảo lãnh.
6.  Chứng minh mục đích đặt đơn xin “Đi học”:
Phòng Lãnh sự xin lưu ý: Chỉ với bằng tốt nghiệp phổ thông trung học Việt Nam, thí sinh không đủ điều kiện để được nhận vào học đại học tại Đức.
Điều kiện để được phép tham gia khóa học dự bị đại học (Studienkolleg) là người đặt đơn phải học xong ít nhất 1 học kỳ tại một trường đại học được công nhận. Sinh viên các trường cao đẳng, sinh viên học tại chức hoặc học viên các chương trình đào tạo nghề của các trường đại học không có đủ điều kiện này.
Điều kiện để được phép trực tiếp vào học đại học là người đặt đơn phải học xong ít nhất 3 học kỳ tại một trường đại học được công nhận.
a) Sinh viên có đủ kiến thức tiếng Đức (tối thiểu 400 tiết) và có nguyện vọng tham gia khóa  học dự bị đại học tại Đức:
– Tùy theo từng trường hợp sẽ phải nộp chứng nhận đã đăng ký khóa học tiếng Đức bổ sung (3 tháng) trước khi vào học khóa dự bị đại học kèm theo chứng nhận đã trả tiền học phí cho khóa học tiếng này.
– Giấy báo nhập học có điều kiện thông báo về việc được nhận vào học khóa dự bị đại học cho ngành đã đăng ký tại một trường đại học hoặc cao đẳng Đức.   
– Xác nhận về trình độ của sinh viên:
Bằng tốt nghiệp phổ thông trung học với chứng nhận điểm thi tốt nghiệp
Giấy báo trúng tuyển vào một trường đại học được công nhận tại Việt Nam
Chứng nhận đã học xong 1 học kỳ tại một trường đại học được công nhận tại Việt Nam.
b) Sinh viên có đủ kiến thức tiếng Đức (tối thiểu 400 tiết) và có nguyện vọng học thẳng đại học tại Đức:
– Tùy theo từng trường hợp sẽ phải nộp chứng nhận đã đăng ký khóa học tiếng Đức bổ sung (3 tháng) trước khi vào học đại học kèm theo chứng nhận đã trả tiền học phí cho khóa học tiếng này.
– Giấy báo nhập học có điều kiện thông báo về việc được nhận vào học ngành đã đăng ký tại một trường đại học hoặc cao đẳng Đức.   
– Xác nhận về trình độ của sinh viên:
Bằng tốt nghiệp phổ thông trung học với chứng nhận điểm thi tốt nghiệp
Giấy báo trúng tuyển vào một trường đại học được công nhận tại Việt Nam
Chứng nhận đã học xong 3 học kỳ tại một trường đại học được công nhận tại Việt Nam.
 Xác nhận về trình độ tiếng Đức:
Đại sứ quán khuyên người đặt đơn nên đệ trình chứng chỉ “Zertifikat Start Deutsch 2” để chứng minh trình độ tiếng Đức.
Thí sinh có thể thi để lấy chứng chỉ này tại Viện Gớt Hà Nội, 56-58 Nguyễn Thái Học. Những thông tin cụ thể có thể lấy tại Viện Gớt:
(Điện thoại: 04-734 22 51, Fax: 04-734 22 54, E-Mail: spr@hanoi.goethe.org  hoặc ls@hanoi.goethe.org http://www.goethe.de/hanoi ).
Nếu có chứng chỉ “Zertifikat Start Deutsch 2” với xếp loại “befriedigend” trở lên hoặc có chứng chỉ cao hơn (Như các chứng chỉ “Zertifikat Deutsch”, “Zentrale Mittelstufenprüfung”, “TestDaF” hoặc “Zentrale Oberstufenprüfung” – Chứng chỉ cấp trước này nộp chưa quá 6 tháng) thì sinh viên không cần thiết phải chứng minh khả năng ngoại ngữ của mình trong khi phỏng vấn tại Phòng Visa.
Ngoài giấy báo nhập học ra, sinh viên có nguyện vọng học cao học bằng tiếng Anh tại Đức phải nộp chứng nhận có đủ kiến thức tiếng Anh và nộp thêm bằng tốt nghiệp một trường đại học tại Việt Nam.
 Tùy thuộc vào từng trường hợp, Đại sứ quán có thể yêu cầu nộp thêm các giấy tờ khác. Các yêu cầu này sẽ chỉ do nhân viên nhận hồ sơ thông báo.
 
Thời gian giải quyết đơn xin cấp thị thực:
Hồ sơ xin cấp thị thực gồm đầy đủ các giấy tờ cần phải nộp vào Đại sứ quán chậm nhất hai tháng trước ngày dự kiến xuất cảnh, bởi vì Sở Ngoại kiều nơi cư trú tại Đức cũng tham gia vào việc xét đơn.
 
Lệ phí : 30 EUR (Trả tiền mặt bằng USD, khoảng 37 USD). Khi nộp hồ sơ, người đặt đơn phải nộp toàn bộ số tiền lệ phí tại cửa nhận hồ sơ của sứ quán. Không hoàn lại tiền lệ phí ngay cả trong trường hợp đơn xin cấp thị thực bị từ chối.

Theo HISA

 

Bình luận (0)