Sự kiện giáo dụcTin tức

Hướng đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội: “… Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

Tạp Chí Giáo Dục

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải trao đổi với các nhà khoa học tại hội thảo

Ngày 23-9, tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo khoa học: “TP.HCM hướng về 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”. Hội thảo do Thành ủy TP.HCM, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và ĐHQG TP.HCM tổ chức. Hội thảo đã nhận được 134 bài tham luận của các tác giả ở khắp mọi miền đất nước…
Tại đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đã phát biểu: “Ở TP.HCM rất nhiều người biết đến câu thơ “… Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” của tác giả Huỳnh Văn Nghệ. Câu thơ này chính là tình cảm của Đảng bộ, nhân dân TP.HCM đối với thủ đô Hà Nội…”.
Hà Nội – TP.HCM: Mối quan hệ xương máu, ruột thịt
“Có thể kể ra không biết bao nhiêu sự kiện lịch sử về các mối quan hệ ruột thịt, xương máu Hà Nội – Sài Gòn trong mối quan hệ xương máu và ruột thịt Bắc Nam. Trong hai lần xâm lược Việt Nam (thế kỷ XIX, XX), bọn xâm lược Pháp cũng như Mỹ lấy Sài Gòn và Nam bộ làm căn cứ, bàn đạp để thôn tính cả nước, trước tiên là đánh chiếm Hà Nội. Xuất phát từ miền Bắc và Hà Nội, nhân dân ta chi viện, phối hợp với Sài Gòn và miền Nam để đánh đuổi quân thù. Đặc biệt là chiến công “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm tháng 12-1972, tiêu diệt các pháo đài bay B52… Chiến công này, Hà Nội và miền Bắc thực hiện vì Sài Gòn, miền Nam ruột thịt. Đại thắng mùa Xuân của chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, toàn bộ miền Nam thống nhất đất nước là kết cục tất nhiên của 30 năm kháng chiến vì độc lập, tự do. Lịch sử và nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên chiến công phối hợp Nam Bắc, hiệp đồng Sài Gòn – Hà Nội trong nửa đầu thập niên 70 của thế kỷ XX. Ở tầm cao chiến thắng của lịch sử dân tộc và thời đại, Sài Gòn – TP.HCM và Thăng Long – Hà Nội càng gắn bó như máu thịt, như keo sơn trong tình dân tộc bền chặt và cao cả…”, GS. Trần Thanh Đạm – Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM đã viết như vậy trong bài tham luận của mình.
Cũng theo GS. Đạm thì TP.HCM với Hà Nội là 300 năm trong 1.000 năm, là đứa con cưng trong sự sinh thành của đất nước và dân tộc.
Mối quan hệ ruột thịt của Hà Nội – TP.HCM còn được thể hiện rõ trong tham luận “Từ 36 phố phường Thăng Long – Hà Nội đến các phố chuyên doanh Sài Gòn – TP.HCM” của tác giả Nguyễn Thanh Lợi – Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM. Tuy phương thức kinh doanh có khác nhau nhưng ở đó đã lưu giữ những giá trị “văn hóa phố chợ” như cảnh quan, bản sắc kiến trúc, cách thức ứng xử…
Trong tham luận “Nhận diện dấu ấn tín ngưỡng dân gian Thăng Long – Hà Nội trên đất Nam bộ” của tác giả Nguyễn Hữu Hiếu – Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp cũng thể hiện đậm nét mối quan hệ này. Đó là tục thờ thần Thành hoàng, tín ngưỡng thờ mẹ, thờ cha… “Tín ngưỡng châu thổ sông Hồng còn lưu lại trên đất Nam bộ dù không nguyên mẫu nhưng vẫn giữ lại cội nguồn, cái lõi của thần thái văn hóa dân gian, văn hóa Việt Nam nói chung dựa trên ba hằng số là nghề trồng lúa nước, người tiểu nông và làng xóm”, ông Hiếu viết.
TP.HCM hướng về Thăng Long – Hà Nội
Đầu những năm 1980, cả nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội. Cũng chính thời điểm này, TP.HCM với truyền thống “là nơi tiếp nhận kinh tế thị trường, tiếp nhận nền công nghiệp tiên tiến…” đã có những đóng góp cho sự phát triển của cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng. Sau 20 năm đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM luôn cao hơn 1,5-1,6 lần tốc độ chung của cả nước. Chỉ số GDP năm 2010 ước tính có thể lên đến 11-12%…
Đối với Hà Nội, “Kể từ khi hình thành và phát triển, lịch sử – văn hóa Sài Gòn – TP.HCM luôn gắn bó hữu cơ với Thăng Long – Hà Nội, cùng nằm trong dòng chảy của hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nếu so với lịch sử phát triển 1.000 năm của Hà Nội, khoảng thời gian 300 năm không phải là dài đối với lịch sử của một thành phố lớn như TP.HCM. Nhưng bằng sự năng động, sáng tạo, TP.HCM không những hình thành nên một sắc thái riêng mà còn góp phần làm rạng rỡ thêm văn hóa Thăng Long – Hà Nội”, PGS.TS Võ Văn Sen – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM phát biểu.
Nhiều tham luận trong hội thảo cũng đã thể hiện được tình cảm của TP.HCM hướng về Thăng Long – Hà Nội. Qua đó đã nêu lên một thực tế là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội đã hy sinh mồ hôi và xương máu chi viện cho Sài Gòn – Nam bộ. Và trong thời bình thì Sài Gòn – TP.HCM đã có những đóng góp chung cho sự phát triển của cả nước và sự phát triển của Hà Nội nói riêng…
Từ lịch sử – văn hóa ngàn năm Thăng Long – Hà Nội nhìn về lịch sử – văn hóa Sài Gòn – TP.HCM, chúng ta có thể phác thảo “chân dung” con người và văn hóa TP.HCM với những dấu son đặc sắc. Cụ thể là bản lĩnh kiên cường, khí phách hiên ngang được thể hiện trong “Mười tám thôn vườn trầu”, “Địa đạo Củ chi”. Bên cạnh đó là trí thông minh, tinh thần đổi mới, tính năng động sáng tạo và khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh… “Hơn 300 năm qua những trang lịch sử – văn hóa rực rỡ nhất của TP.HCM luôn gắn liền với Thăng Long – Hà Nội, với Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh”, PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa – Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM nói.
Bài, ảnh: Kim Anh

Mùa Thu năm Canh Tuất (1010), Vua Lý Thái Tổ đã chọn được nơi định đô. Và từ đó, Thăng Long trở thành “thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Trải qua một thiên niên kỷ, Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội thường xuyên là kinh đô của các triều Lý, Trần, Hậu Lê, Mạc và là thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

 

Bình luận (0)