Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hướng đến diễn đàn kinh doanh thường niên lần IV – 2013

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: “Đổi mới để tồn tại và phát triển” là chủ đề Diễn đàn kinh doanh thường niên lần IV – 2013 do báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức từ 8 – 12 giờ 30, ngày 18.4.2013 tại White Palace, 194 Hoàng Văn Thụ, Q. Phú Nhuận, TP.HCM. Chủ đề của diễn đàn khá sát với quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà Chính phủ đã khởi động. Và quá trình này không thiếu việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng. Chuyên đề này như một gợi ý, đề dẫn cho diễn đàn.
Tái cấu trúc ngân hàng như thế nào?
TS Nguyễn Đình Cung, phó viện trưởng viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – diễn giả của diễn đàn – cung cấp cái nhìn khái quát về hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Theo TS Nguyễn Đình Cung, hoạt động tái cơ cấu ngân hàng, các giải pháp đã và đang tập trung xử lý một số nội dung chính như:
– Tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém; đang triển khai tái cơ cấu chín ngân hàng yếu kém theo phương án đã được ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tuy vậy, kết quả tái cơ cấu cụ thể đối với từng ngân hàng chưa được thông báo, và vẫn là một câu hỏi lớn.
– Phương án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được thông qua; phương án thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của công ty Quản lý tài sản (VAMC) đang được hoàn thiện. Các giải pháp khác để xử lý nợ xấu đang được triển khai. Nợ xấu được thông báo đã giảm từ khoảng gần 9% tổng dư nợ xuống còn 6% vào đầu tháng 3.2013.
Lĩnh vực ngân hàng với vai trò “bơm máu” cho nền kinh tế đang đứng trước yêu cầu tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn.
Tuy vậy, xem xét các giải pháp xử lý nợ xấu cho đến nay (kể cả đang trong soạn thảo), có thể thấy nợ xấu được xử lý theo các biện pháp nghiệp vụ, hành chính nhiều hơn là chuyển khối tài sản thế chấp thành vốn và chuyển vào các mục đích sản xuất, kinh doanh; chưa chú trọng giải thoát cho các bên khỏi “mối quan hệ tín dụng hiện có”. Mới chú ý nhiều đến làm sạch báo cáo tài chính của ngân hàng, chưa chú ý giải phóng gánh nặng nợ cho doanh nghiệp.
Vì vậy, các tổ chức tín dụng có thể tuyên bố hay báo cáo đã hoàn thành xử lý nợ xấu, thì gánh nặng nợ đối với doanh nghiệp có thể vẫn còn nguyên. Do đó, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được tín dụng một cách bình thường, và chưa thể khôi phục lại hoạt động bình thường như mong muốn. Như vậy, mục đích xử lý nợ xấu có thể chưa đạt được.
Tái cơ cấu tổng thể, toàn diện cả hệ thống nói chung và từng tổ chức tín dụng nói riêng, sau hơn một năm, kết quả hay được thông báo là “hệ thống vượt qua giai đoạn khó khăn nhất”, “thanh khoản được cải thiện”, “nợ xấu không tăng, hay tốc độ tăng giảm…” Tuy vậy, hình như chưa có cải thiện nhiều trong vai trò của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với hoạt động bình thường của nền kinh tế.
Theo ông Cung, cần tập trung hoàn thiện và trình Thủ tướng phê duyệt trong thời hạn sớm nhất các đề án: đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đề án thành lập công ty Quản lý tài sản của Việt Nam dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà nước, loại hình doanh nghiệp nhà nước đặc biệt; đẩy nhanh triển khai xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, cần phải đánh giá và xác định đầy đủ thực trạng sở hữu chéo hiện nay trong hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính. Cập nhật và công bố công khai cơ cấu sở hữu và thực trạng sở hữu chéo của các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính trên trang thông tin của ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thực hiện các giải pháp khác ngăn ngừa và loại trừ ảnh hưởng chi phối tiêu cực và vi phạm pháp luật của các cổ đông, nhóm cổ đông chi phối trong huy động, phân bổ và sử dụng vốn tín dụng ngân hàng. Hạn chế các hành vi thâu tóm, lũng đoạn và chi phối các ngân hàng thương mại cổ phần gây rủi ro đối với từng ngân hàng và toàn hệ thống ngân hàng.
PV (ghi)
Theo SGTT

Bình luận (0)