Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hướng đến kỷ niệm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911/ 5-6-2016): Nghĩ về Bác…

Tạp Chí Giáo Dục

Một người nghèo nhất nước như Bác, nhưng lại để cho chúng ta một di sản đồ sộ. Đó là một đất nước độc lập, toàn vẹn, một sự nghiệp cách mạng chói ngời, một tấm gương trong sáng và lối sống tinh khiết.

Ngày 5-6-1911, Bác Hồ lấy tên là Văn Ba lên tàu Amiral Latouche Tréville rời cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước. Ảnh: I.T

1.Lục lọi trong tiểu sử Bác Hồ đến cả nhà riêng, ta thấy Người có gì? Một tấm áo kaki, đôi dép cao su, chiếc quạt bằng lá cọ… vật chất là thế đấy. Còn tinh thần ư? Bác cũng là người duy nhất không có bất kỳ các loại huân, huy chương gì, đến cả sơ đẳng nhất là bằng khen, giấy khen, Người cũng không có. Bác còn là người nghèo nhất cả trong cõi riêng tư. Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác kể lại, có những đêm, khuya rồi, Bác đã tắt đèn, nhưng trong phòng vẫn có tiếng đài. Đồng chí Vũ Kỳ tưởng Bác đã ngủ, rón rén đến tắt. Bác ngăn lại: “Đừng… cứ để thế cho căn phòng Bác nó ấm, vì có tiếng người, tiếng phụ nữ…”.

Một người nghèo nhất nước như Bác, nhưng lại để cho chúng ta một di sản đồ sộ. Đó là một đất nước độc lập, toàn vẹn, một sự nghiệp cách mạng chói ngời, một tấm gương trong sáng và lối sống tinh khiết.

Bác luôn quan tâm đến những người lao động. Bác còn dành lương mua quà cho người nghèo. Vào những dịp Tết đến, Bác thường chọn những gia đình nghèo nhất để đến thăm và chúc Tết. Một chị lao công, ở trong khu hẻm nhỏ, đêm 30 Tết còn đi gánh nước thuê. Bàn thờ trống hoang, không có cả nải chuối, tấm bánh. Tết đến với mọi nhà, nhưng Tết lại quên căn nhà chị. Bởi thế, chị bàng hoàng đến sửng sốt, buông rơi cả hai thùng nước, khi thấy Bác đột ngột xuất hiện trong căn nhà tồi tàn của mình: “Trời ơi, Bác… Gia đình cháu khổ lắm… Cháu không ngờ Bác lại đến với cháu…”. “Thế Bác không đến với cháu thì Bác còn đến với ai?…”. Chị bật khóc. Và Bác cũng khóc.

2.Dân còn nghèo như thế, nên Bác sống rất đạm bạc tằn tiện. Bữa ăn của Người là bữa ăn của một nông dân nghèo. Tiếp khách quốc tế, Bác vẫn mang trang phục của một người nông dân nghèo. Bộ quần áo nâu và đôi dép cao su. Cuộc đời của Bác, nếp sống của Bác là một bài học lớn cho các cán bộ.

Một người suốt đời sống vì dân, lo cho dân, ngay trong những giây phút cuối cùng giã từ cõi đời, phần nói về mình, Người cũng chỉ dành cho mình đúng 79 chữ. 79 chữ tổng kết cả một đời người 79 năm, trong một ít chữ phong phanh ấy, Người cũng lại chỉ canh cánh lo cho dân, không muốn tổ chức tang lễ điếu phúng linh đình để đỡ tốn thời giờ và tiền bạc của dân.

Ta có thể tìm thấy trong những câu nói bất hủ của Người, những kinh nghiệm được đúc kết của rất nhiều thời đại. Và một trong những bài học sâu sắc Người để lại cho chúng ta là sự chiêm cảm tinh vi đến chuẩn xác và nghệ thuật dùng người. Đây mới chính là một bí mật của Bác mà chúng ta cần nghiên cứu, khám phá. Năm 1941, Bác có bức tranh, vẽ cây kèn, con số 1945 cùng câu thơ “Việt Nam độc lập thổi kèn loa”. Sau quả đúng như vậy. Và như thế, Bác đã “nhìn” thấy ngày độc lập từ năm 1941. Sau này Người cũng đoán chuẩn xác năm giải phóng Sài Gòn. Tối 30 tháng 4 năm 1960, trong diễn văn chào mừng Quốc tế Lao động tại Nhà hát Lớn Hà Nội, có một dòng rất đặc biệt, lúc đó Người đã giấu đi bằng một nét gạch xóa bằng bút chì, nhưng vẫn còn được lưu giữ trong Bảo tàng Hồ Chí Minh “… Cùng lắm cũng chỉ 15 năm nữa, nước nhà sẽ thống nhất, đồng bào Nam, Bắc sẽ sum họp một nhà…”. Tính từ thời điểm năm 1960 thì đúng là năm 1975.

3. Tài nhất là nghệ thuật dùng người. Đây chính là mấu chốt quyết định sự thắng lợi của cách mạng. Năm 1946, khi phải rời Tổ Quốc, Người lại trao toàn quyền điều hành đất nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng và chỉ dặn một câu: “Ứng vạn biến, dĩ bất biến”. Đưa một người không phải đảng viên lên chức vụ lớn, lại trao cho cả vận mệnh đất nước là một quyết định táo bạo. Nhưng bằng lối ứng xử rất đẹp ấy, Bác đã quy tụ được tất cả những tinh hoa của dân tộc đến với cuộc kháng chiến cứu nước và kiến quốc. Bởi thế, rất nhiều nhân sĩ, trí thức, ở nhiều đảng phái khác nhau đều tìm đến với Người, có không ít người từ bỏ đời sống nhung lụa, trở về Tổ quốc, cùng đồng cam cộng khổ với Người và được Người tin dùng như giáo sư Trần Đại Nghĩa, giáo sư Nguyễn Văn Huyên. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên cũng không phải là đảng viên. Và cho đến nay, ông vẫn là vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục sáng giá, xây dựng được một nền giáo dục hiện đại, đúng đắn và trong sạch nhất. Những cán bộ được Bác chọn, trao việc đều trở thành những nhân vật xuất sắc của lịch sử đất nước. Đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc ấy, tướng Giáp chỉ đơn thuần là một ông giáo dạy sử ở Trường tư thục Thăng Long. Một con người hoàn toàn xa lạ với quân binh, trận mạc, vậy mà Bác lại trao cho việc phụ trách quân sự, rồi phong thẳng lên đại tướng và ủy nhiệm cho toàn quyền quyết định việc quân. Sau này, ta mới biết việc chọn Tướng Giáp của Bác tài tình đến như thế nào. Võ Nguyên Giáp quả là một thiên tài quân sự. Tên tuổi ông có thể đặt bên cạnh những tên tuổi lừng danh nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc: những Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung… Còn nhiều mẩu chuyện khác cũng thấy Bác Hồ là người nhìn xa trông rộng và giỏi trong việc dùng nhân tài.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Bình luận (0)