Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hướng đến một thành phố nhân văn

Tạp Chí Giáo Dục

Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM sẽ là đầu tàu trong việc xây dựng con người TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình

Hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 17-5, Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật (VHNT) Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "Vai trò của VHNT trong xây dựng con người TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình", với sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ tiêu biểu thuộc 9 hội chuyên ngành VHNT.

Khát vọng chân, thiện, mỹ

Tọa đàm nhằm khẳng định VHNT là loại hình, lĩnh vực quan trọng, đặc biệt, tinh tế, bởi muốn xây dựng và phát triển con người của địa phương, nhất là với TP HCM – chiếc nôi văn hóa lớn của cả nước, thì VHNT phải đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng tinh thần khát vọng chân, thiện, mỹ trong mỗi người dân. Tọa đàm được tổ chức trong giai đoạn này là rất cần thiết trước sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội khiến chuẩn mực về VHNT đang bị xô lệch.

NSƯT đạo diễn Ca Lê Hồng phát biểu tại tọa đàm

NSƯT đạo diễn Ca Lê Hồng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Hiệp

NSND Trần Minh Ngọc cho rằng nếu không có cái nhìn toàn diện, đánh giá chính xác và tìm kiếm giải pháp đồng bộ, sẽ khó phát triển VHNT ngang tầm với kinh tế, nhất là tại các thành phố lớn trong cả nước. NSND Trần Minh Ngọc cũng đánh giá cao nỗ lực của Chi hội tác giả Hội Sân khấu TP HCM trong thời gian qua đã sáng tác nhiều kịch bản hay, có giá trị trong công cuộc xây dựng con người của thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Các nhà nghiên cứu sân khấu khẳng định từ sau ngày đất nước thống nhất, đi theo chủ trương, đường lối của Đảng, dưới ngọn cờ nhân văn, nhân ái, giới nghệ sĩ sân khấu TP HCM đã nỗ lực hình thành nên phẩm chất con người thông qua những tác phẩm sân khấu nổi tiếng, có sức lan tỏa, tác động đến lối sống, suy nghĩ và sự hướng thiện của số đông công chúng. Những tác phẩm như: "Người ven đô", "Đâu có giặc là ta cứ đi", "Cây sầu riêng trổ bông", "Dòng sông đầm lầy", "Dưới hai màu áo", "Lá sầu riêng", "Vực thẳm chiều cao", "Tình yêu và lời đáp", "Giọt máu oan cừu", "Tiếng hò sông Hậu", "Tiếng trống Mê Linh", "Bức ngôn đồ Đại Việt", "Chim Việt cành Nam"… đã chiếm trọn trái tim yêu nghệ thuật sân khấu từ sự sáng tạo của hàng trăm văn nghệ sĩ.

Đạo diễn NSƯT Ca Lê Hồng đề xuất: "Cần sớm có kế hoạch đưa các nghệ sĩ tài năng tu nghiệp ở các quốc gia có nền sân khấu và VHNT tiên tiến. Muốn có một nền VHNT tiên tiến, thể hiện ngang tầm với tiềm năng kinh tế thì phải có đội ngũ giỏi nghề và chuẩn mực".

Giới chuyên môn đồng quan điểm với ý kiến của NSƯT Ca Lê Hồng, các thế hệ đạo diễn sân khấu đầu tiên được đào tạo từ các nước XHCN như: Nguyễn Đình Nghi, Doãn Hoàng Giang, Trần Minh Ngọc, Ca Lê Hồng, Ngô Hồng, Thanh Hạp, Đoàn Bá… Và thế hệ thứ hai như: Công Ninh, Lê Mạnh Hùng, Đào Hùng, Khánh Vinh, Đức Hải, Thanh Bạch, Xuân Hương… Tất cả đã mang đến hơi thở mới trong nghệ thuật tạo nên sự sống động cho sàn diễn hướng đến những vở xây dựng con người mới của TP HCM.

Hướng con người đến cách sống đẹp

Nhiều ý kiến cho hay không ở đâu như con người TP HCM, những ngày nắng nóng vừa qua, khắp nơi xuất hiện những thùng trà đá miễn phí, hay những tủ bánh mì 0 đồng, có thể nói đây là nghĩa cử chia sẻ tự nguyện rất đẹp của người dân TP HCM và VHNT cần kịp thời sáng tác, tôn vinh những nghĩa cử đơn sơ, mộc mạc nhưng đầy tình người chỉ xuất phát từ TP HCM.

Tọa đàm đã khẳng định chân lý, VHNT không đơn thuần chỉ là truyền tải cái đẹp, giúp con người biết thưởng thức cái đẹp mà còn hướng con người đến cách sống đẹp. VHNT có khả năng tạo nên nguồn năng lượng tinh thần vô cùng to lớn giúp toàn thể nhân dân ta, đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách khắc nghiệt để giành thắng lợi trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, đồng thời còn là minh chứng cho tài năng và nhân cách của một dân tộc anh hùng, trong đó con người TP mang tên Bác đã vượt qua nhiều giai đoạn để cùng với Đảng bộ, chính quyền xây dựng TP HCM ngày càng giàu đẹp, phồn vinh. 

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM, cho biết liên hiệp đã hoàn thành đề án trình UBND TP HCM về việc xây dựng Trung tâm VHNT TP HCM (tại số 25 Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3). Nơi này sẽ là một không gian giao lưu VHNT mang tính cộng đồng, trở thành nơi giới sáng tác VHNT gặp gỡ khán giả, giới lý luận phê bình sẽ có nơi để thảo luận, giúp người trẻ tiếp cận với các khâu sáng tạo tác phẩm.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)