Chuyển đổi số đang từng bước thâm nhập sâu vào mọi hoạt động của các lĩnh vực, ngành nghề. Trong ngành y tế, chuyển đổi số không chỉ cải thiện quản trị, điều hành mà còn giúp người dân tiếp cận y tế nhanh nhất có thể.
Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng (nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM)
Chuyển đổi số trong ngành y tế và chăm sóc sức khỏe được các chuyên gia y tế, công nghệ quan tâm bởi nó đang là xu hướng chung của thế giới. Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ trong quản trị, điều hành và khám chữa bệnh là bước chuyển quan trọng hướng đến một nền y tế thông minh.
Xu hướng bác sĩ gia đình trực tuyến
Đề cập đến vấn đề chuyển đổi số trong ngành y tế, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Thế Dũng cho rằng trước sự tiến bộ của công nghệ cũng như đòi hỏi lớn từ phía bệnh nhân, chúng ta luôn cần có những giải pháp mới cho y tế. Giải pháp đó là ứng dụng công nghệ trong phòng ngừa, theo dõi điều trị, điều hành… Bác sĩ Dũng cũng nhấn mạnh đến vai trò của mô hình bác sĩ gia đình thông qua nền tảng công nghệ bởi đây là xu hướng chung của các quốc gia. Tuy nhiên, để mô hình này hoạt động hiệu quả, mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế, được chăm sóc tốt nhất cần hoàn thiện hệ thống dữ liệu. Đặc biệt là thay đổi tư duy, sự đồng bộ trong tổ chức và phải đặt lợi ích của người dân lên trên.
Theo bác sĩ Dũng, chúng ta đã chứng kiến một sự thay đổi lớn của công nghệ, đó là sự tiến bộ thần kỳ và bắt buộc mọi thứ cũng phải thay đổi. Chuyển đổi số trong y tế là yếu tố quyết định sự sống còn của bệnh nhân và cần gấp rút triển khai trong ngành y tế. “Nhìn lại đợt dịch Covid-19 vừa qua, người dân chưa nhận được sự chăm sóc y tế như mong đợi do thiếu nhân lực, thiếu cơ sở vật chất…, nhưng thực tế đang lãng phí một nguồn lực lớn ở trong và ngoài nước có thể hỗ trợ y tế từ xa. Đó là các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành, bằng chuyên môn, tâm huyết họ có thể tư vấn, theo dõi và điều trị. Vì vậy cần có sự kết nối thông qua ứng dụng công nghệ, hình thành mạng lưới chăm sóc y tế mọi lúc, mọi nơi để bệnh nhân tiếp cận y tế nhanh nhất có thể”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Y tế số giúp nâng cao năng lực phòng ngừa cũng như giải quyết hiệu quả ở khâu điều trị
Ở góc độ nhà cung cấp dịch vụ y tế, ông Vũ Thái Hà (Giám đốc vận hành ứng dụng chăm sóc y tế eDoctor) khẳng định, bác sĩ gia đình chính là mô hình dịch vụ sẽ đóng góp đáng kể vào việc củng cố và làm mạnh hơn nữa hệ thống y tế công cộng và y tế dự phòng. Với sự phát triển của công nghệ, việc tổ chức và vận hành một hệ sinh thái y tế sẽ giúp người dân chủ động chăm sóc sức khỏe mọi lúc, mọi nơi. Ông Hà tin chắc bằng việc ứng dụng công nghệ thì khoảng cách thời gian, không gian giữa bác sĩ và bệnh nhân gần như không còn nữa. “Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng công nghệ sẽ đem bác sĩ đến từng nhà một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn trong chăm sóc, điều trị”, ông Hà nói.
Theo thống kê của Câu lạc bộ Y tế số, đến nay thế giới có trên 6.000 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ y tế. Thị trường sức khỏe số toàn cầu sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 27,9% từ năm 2020 đến năm 2027. |
Nhìn nhận lại hệ thống y tế trong nước, PGS.TS Hồ Thanh Phong (Chủ tịch Câu lạc bộ Y tế số thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ – SIHUB, Sở KH-CN TP.HCM) cho rằng đại dịch Covid-19 như một “con nước xuống”, lộ rõ những yếu kém của ngành y tế. Nếu xây dựng được một hệ sinh thái y tế số thì mô hình bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa sẽ chia sẻ với ngành y tế tốt hơn không chỉ trong đại dịch. “Thời gian qua mô hình bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa chưa phát triển là do chưa có nền tảng số. Câu chuyện thiếu nhân lực đã nói nhiều nhưng có thể giải quyết bằng cách ứng dụng công nghệ kết nối mọi nguồn lực. Theo đó, chỉ cần ứng dụng công nghệ đám mây, thu thập toàn bộ dữ liệu và lưu trữ, qua đó khoảng cách giữa bác sĩ và bệnh nhân không còn xa”, ông Phong cho biết.
Mở ra thị trường công nghệ y tế số
Với vai trò điều hành kết nối cộng đồng khởi nghiệp và hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ông Huỳnh Kim Tước (CEO SIHUB) khẳng định: “Chuyển đổi số trong y tế là tất yếu và hãy làm từng bước, vướng ở đâu tìm cách tháo gỡ ở đó. Đây là “sân chơi” không mới nhưng còn nhiều điều cần làm. Thông qua nền tảng số, người nghèo ở bất kỳ đâu cũng được chia sẻ, tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất. Việc chuẩn bị cho chuyển đổi số bắt đầu từ con người. Thời gian qua, có rất nhiều trào lưu công nghệ đã đi qua nhưng sự nắm bắt còn hạn chế và đừng để lặp lại”. Theo ông Tước, kể từ sau dịch Covid-19, TP.HCM tiếp nhận nhiều ứng dụng công nghệ có liên quan đến việc theo dõi, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. “Chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực thu hút đầu tư lớn thứ ba trên thế giới với 60,72 tỷ USD trong năm 2020 với các xu hướng như khám chữa bệnh từ xa, theo dõi người bệnh từ xa, thực tế ảo… Thời gian tới chúng tôi tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị có năng lực và có sản phẩm phù hợp để thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong xây dựng hệ sinh thái y tế số không chỉ ở TP.HCM”, ông Tước cam kết.
Việt Nam đã có nhiều ứng dụng phục vụ y tế số
Là nhà cung cấp giải pháp công nghệ y tế, bà Hồ Thị Hoàng Yến (Trưởng phòng Phát triển kinh doanh TMA Innovation) cho biết từ lâu các quốc gia trên thế giới đã ứng dụng công nghệ vào thiết bị y tế đeo tay, nhưng trong nước thì còn hạn chế. Các thiết bị này như “cánh tay công nghệ” giúp việc phòng ngừa, theo dõi sức khỏe người dân tốt hơn. Bà Yến cho rằng y tế số giúp nâng cao năng lực phòng ngừa cũng như giải quyết hiệu quả ở khâu điều trị.
Thị trường y tế số của thế giới đang phát triển mạnh, trong đó có Việt Nam và đó cũng là xu hướng mà các đơn vị cung cấp công nghệ thông minh trong lĩnh vực y tế đang hướng đến. Tại Việt Nam, nhiều ứng dụng cho y tế số cũng đã ra đời như eDoctor, AIhealth, DoctorAnywhere… Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng với xu hướng công nghệ mới thay đổi từng ngày thì các ứng dụng y tế phải tích hợp nhiều tính năng thông minh hơn, chứ không thể dừng lại ở đặt lịch khám chữa bệnh, mua thuốc, tư vấn của bác sĩ…
T.Tri
Bình luận (0)