Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Hướng đi nào của bóng đá Việt Nam với trọng tài Nhật?

Tạp Chí Giáo Dục

Trọng tài người Nhật Sato Ryuji ra mắt ấn tượng tại V-League dù được phân trận đấu khó. Thành công bước đầu này có thể giúp cho VPF và VFF mạnh dạn tiến hành các bước tiếp theo, thay vì chỉ thuê trọng tài ngoại ở một vài trận…
Mở nút thắt
Không phải ngẫu nhiên mà cả chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng lẫn trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi đều có mặt trên khán đài sân Bình Dương, dự khán trận B.Bình Dương – Thanh Hóa.

Trọng tài Sato Ryuji (giữa) là thử nghiệm thành công của VPF tại V-League

Trong những lý do để họ thân chinh đến đất Thủ Dầu, có lẽ có cả chuyện họ cần theo dõi khả năng thích ứng với ông trọng tài người Nhật Bản Sato Ryuji với sân cỏ V-League, trong cái lần đầu tiên trọng tài ngoại làm việc tại V-League.
Trận đấu trôi chảy, vị trọng tài người Nhật Bản điều hành trận đấu tốt, xử lý các tình huống linh hoạt, không cứng nhắc là điều làm cho lãnh đạo Ban trọng tài và lãnh đạo VPF hài lòng. Nói chung với họ “đầu đã xuôi”.
Đáng nói nhất là tình huống ở phút 55, trợ lý Anh Toàn phất cờ báo lỗi việt vị của Kesley, nhưng trọng tài Sato Ryuji quyết định “đè cờ”, cho trận đấu tiếp tục vì người nhận bóng là Trọng Hoàng.
Đấy là quyết định bình thường với bóng đá quốc tế, trong nhận định về việt vị hay không việt vị, cầu thủ có tham gia vào pha bóng ở vị trí việt vị hay không? Nhưng với giới trọng tài ở V-League, họ thường hướng đến cách xử lý an toàn, và ít khi có các quyết định “đè cờ” trợ lý kiểu này.
Như chúng tôi từng đề cập, giới trọng tài ngoại, nhất là các trọng tài đến từ những nền bóng đá phát triển như Nhật Bản không chỉ đáng chú ý ở chuyên môn, mà họ độc lập hoàn toàn với các đội bóng, thậm chí với giới trọng tài nội, nên trọng tài ngoại khi làm việc không sợ… “đụng”.
Các đội bóng khi nhìn trọng tài ngoại cũng bớt dè dặt hơn các trọng tài nội, nên các phản ứng xuất phát từ sự ức chế vì thế có thể giảm đi.
Một cái hay khác ở chỗ ông Sato Ryuji rất ít cắt còi trong những tình huống mà ông có thể cho lợi thế, nhờ đó mà trận đấu đỡ bị nát vụn bởi những tiếng còi.
VPF có thể hài lòng về điều đó và bước đầu họ đã chứng minh được rằng quyết định mời trọng tài ngoại, cụ thể là mời trọng tài Nhật của họ là hợp lý.
Mong rằng trọng tài nội biết… tự ái
Nếu việc mời trọng tài ngoại đạt kết quả tốt, những trọng tài ngoại tiếp theo cũng điều khiển các trận cầu đinh suôn sẻ như trọng tài Sato Ryuji vừa thực hiện, VPF và VFF chắc chắn sẽ bỏ qua giai đoạn thí điểm, để tiến tới việc mời rộng rãi hơn các trọng tài ngoại đến làm việc tại V-League.
Nhưng gì thì gì, nền tảng của V-League vẫn phải là trọng tài nội. Trọng tài ngoại chỉ có thể giúp nâng chất công tác trọng tài và nâng chất V-League, chứ trọng tài ngoại không thể mãi làm thay vai trò của các trọng tài nội.
Muốn thế thì bản thân các trọng tài nội phải nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Thực tế là công tác chuyên môn của trọng tài nội mỗi năm mỗi xuống, và tốc độ phát triển chậm dần đều ấy không thể kéo dài mãi.
Cũng mong rằng các trọng tại nội thấy được sức ép cần phải nâng cao trình độ với nghề của mình và khắt khe với bản thân hơn. Cạnh tranh lành mạnh luôn là môi trường tốt để phát triển nghề.
Bây giờ giới trọng tài nội đã mất thế độc quyền như lâu nay họ vẫn thế. Cũng vì độc quyền và vì lời bào chữa cho việc thiếu trọng tài mà V-League nhiều năm nay phải chấp nhận sử dụng cả những trọng tài không đủ năng lực và cũng chưa chắc có cái tâm sáng với nghề.
Điều đó phải thay đổi sau khi giải VĐQG Việt Nam xuất hiện trọng tài ngoại. Riêng bản thân các trọng tài nội đã có cái đích để cạnh tranh, để làm thay đổi cái nhìn của dân làm bóng đá cũng nhưng người hâm mộ nói chung về giới trọng tài nội lâu nay.
Mong giới trọng tài trong nước hiểu rằng họ vẫn phải là cái nền của bóng đá Việt Nam, rằng việc VPF hay VFF tạo ra sự canh tranh trong giới trọng tài nói cho cùng cũng là để tốt cho chính họ và cho cả bóng đá Việt Nam.
Kim Điền (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)