Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hướng Dương – “nét chữ âm thanh”

Tạp Chí Giáo Dục

Trong nhiều hoạt động của ngày Sách và Văn hóa đọc, tôi đặc biệt chú ý đến trường hợp của một người đã khuất – cô Hướng Dương (1971-2018). Cô vẫn “có mặt” trong sự kiện này qua tập sách mới Hướng Dương về với mặt trời (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2023) của nhiều tác giả.

Cuộc đời Hướng Dương, nhìn từ góc độ tích cực nhất, tôi có cảm giác như một câu chuyện cổ tích. 25 tuổi, cô bị tai nạn kinh hoàng mất đi đôi chân. Từ một thiếu nữ thanh xuân, cô trở nên trầm cảm lẫn mặc cảm khi phải từng bước nương nhờ vào đôi nạng gỗ. 

Ngày kia, cô đến thiền viện Vạn Hạnh nghe thuyết giảng, cuối buổi, cô bước đến than với sư cô: “Sư ơi, đôi chân của con đã mất rồi, suốt đời con phải đi bằng đôi chân giả”. Nói xong, cô òa lên khóc, những tưởng sẽ nhận được lời an ủi, vỗ về, nào ngờ sư mỉm cười, nhìn cô trìu mến: “Ồ, con chỉ có 2 chân giả thôi sao? Con nhìn xem, toàn thân sư đều là giả đó thôi” – ý sư cô là thân xác cũng chỉ tạm bợ trong cõi tạm này.

Cô như bừng tỉnh và tự nhủ: “Phải rồi chỉ vì tôi mắc kẹt vào “cái tướng” của mình nên mới “ôm sầu thiên thu” như vậy. Từ đó, cô đã có cái nhìn khác, ngẫm ra mình vẫn còn may mắn hơn người khiếm thị. Làm sao có thể an ủi, cảm thông và giúp cho họ cũng “nhìn thấy” được vẻ đẹp của thế giới chung quanh? Cô quyết định đọc những gì cô thấy hữu ích rồi thu âm trong băng cassette tặng cho Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (thường được biết đến là Trường mù Nguyễn Đình Chiểu). 

Thạc sĩ Nguyễn Văn Long – giảng viên của trường – nhớ lại: “Lúc bấy giờ không có tài liệu, không có sách giáo khoa bằng chữ Braill. Thầy từng ngày phải đọc từng trang sách cho chúng tôi ghi lại bằng chữ Braill để học, lúc ấy tôi chỉ có một điều ước: những quyển sách có thể biết nói”. 

Ước mơ ấy của người khiếm thị được Hướng Dương bắt đầu thực hiện từ năm 1998. Tiếng lành đồn xa, từ hoạt động lẻ loi, đơn độc, dần dà bên cạnh cô đã có sự cộng tác vô tư của nhiều người như các giọng đọc truyền cảm, chuyên nghiệp từ đài truyền hình, đài phát thanh, MC, nghệ sĩ lồng tiếng… Ngay cả nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu cũng đồng hành, không đòi hỏi tác quyền khi tác phẩm chuyển sang sách nói.

Việc làm của Hướng Dương và các cộng sự đã hình thành Thư viện sách nói dành cho người mù đầu tiên của Việt Nam mà cô là giám đốc. Năm 2017 UBND TPHCM đã chính thức cấp trụ sở tại 18B Đinh Tiên Hoàng, quận 1 để thư viện hoạt động lâu dài. Nhờ đó, nhiều hoạt động dành cho người mù cũng được mở ra theo xu hướng phổ cập hơn. Chính vì thế, khi Hướng Dương mất, nhà báo Thế Thanh – nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM – đã tâm tình: “Cuộc đời cần quá những người như cháu”.

Tất cả những điều ấy đều có trong tập sách Hướng Dương về với mặt trời, trong đó còn có những bài viết từ cuộc thi “Hành trình vượt qua bóng tối” từng thu hút hơn 500 bài của thành viên Hội Người mù trong cả nước. Khi đọc, ta sẽ thấu cảm hơn những gì người khiếm thị cần mà Thư viện sách nói dành cho người mù đã đáp ứng.

Các số phận không may ấy đã nhìn thấy thêm ánh sáng tri thức, vẻ đẹp của thế giới này từ sách nói. Bạn Nguyễn Tiến Hoàng – Hội Người mù Hà Tĩnh – cho biết: “Qua cách học để lắng nghe mọi thứ xung quanh, dần dần tôi biết mở lòng ra với mọi người như cách tôi quăng bỏ đôi gánh đã đè nặng trên vai tôi bấy lâu nay”. Bạn Nguyễn Văn Thuận – Hội Người mù Hải Dương – tự tin: “Em vào đời bằng nét vẽ không màu, em vào đời bằng nét chữ âm thanh”…

Nếu chọn vĩnh viễn “Đại sứ văn hóa đọc”, tôi sẽ chọn Hướng Dương, bởi lẽ bằng tấm lòng nhân hậu, cô và các cộng sự đã thầm lặng đem lại “ánh sáng” cho người mù đến hôm nay và mai sau. 

Theo Lê Minh Quốc/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)