Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Hướng học sinh vào giáo dục nghề nghiệp: Tư vấn nhiều, hiệu quả chưa cao

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2016, TP.HCM sẽ giảm hơn 1.600 chỉ tiêu so với năm trước. Trong khi đó, nhiều trường TCCN, trung tâm GDTX lại tăng chỉ tiêu tuyển sinh nên nếu rớt lớp 10 công lập, vẫn không thể thiếu chỗ học cho học sinh (HS) TP.HCM… Tuy nhiên, hầu hết HS đều không có hứng thú với giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Rất ít HS mê… GDNN

Thời điểm này, trong khi nhiều HS đang vất vả luyện thi vào lớp 10 thì nhiều HS lớp 9 Trường THCS Bình Chánh, huyện Bình Chánh lại đang đón hè vui vẻ. Trước đó các em đã chọn vào các trường TC thuộc hệ thống GDNN chứ không chạy đua với việc thi cử vì nhận thấy năng lực của mình không đủ để học tiếp các chương trình văn hóa cao hơn.

Cô Nguyễn Thị Thanh Trang – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Trong tổng số 256 HS đang học lớp 9 tại trường, chúng tôi đã tư vấn cho 36 em vào trường TC ở gần địa bàn các em sinh sống (chiếm khoảng 14%)”.

Đây là một trong số rất ít trường THCS tại TP.HCM có HS chọn thẳng vào hệ thống GDNN. Phần lớn các em vẫn chọn cách thi tuyển, thi không được mới vào trường nghề nhưng tỷ lệ này vẫn rất hiếm hoi, đặc biệt là ở những trường thuộc nội thành.

“Số HS chủ động vào trường nghề trước kỳ tuyển sinh lớp 10 gần như không có. Năm trước chỉ 1 trường hợp HS học yếu. Năm nay chúng tôi đã tư vấn kỹ nhưng dù học lực con mình thế nào phụ huynh vẫn quyết cho con thử sức với kỳ tuyển sinh lớp 10”, thầy Đoàn Bá Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Tất Tố, Q.Phú Nhuận – nói.

Thầy Cường cũng cho biết thêm, tỷ lệ HS rớt lớp 10 của trường trung bình khoảng 10%/năm. Trong đó có đến 2/3 em vào trường tư thục, chỉ có khoảng 1/4 đến 1/3 chọn trường TCCN, TC nghề.

Thầy Nguyễn Hữu Hạnh – Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, Q.Bình Thạnh – cho hay: “Tỷ lệ HS rớt lớp 10 công lập là rất ít, các em chủ yếu chọn học tại trường THPT tư thục. Năm ngoái, trường chỉ có vài em rớt lớp 10 THPT công lập đăng ký vào học ở trường TCCN”.

Lại điệp khúc thầy nhiều hơn thợ

TP.HCM đã xác định lộ trình đến năm 2020 phấn đấu có 30% HS tốt nghiệp THCS hoặc THPT vào học nghề tại các trường TC nghề và TCCN. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế tâm lý chọn trường của đa số HS và phụ huynh hiện nay thì lộ trình này khó có thể thực hiện được…

Ông Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM – cho rằng: “Đây thật sự là một nhiệm vụ rất nặng nề đối với TP.HCM. Bởi con số 30% này ở năm 2020 sẽ liên quan đến  khoảng 25-30 ngàn HS lớp 9 mới ở độ tuổi 15-16. Sẽ rất khó khăn khi chúng ta phải đảm bảo đồng thời cả 3 mục tiêu là phân luồng HS sau THCS, tuyển đủ chỉ tiêu vào lớp 10 và tuyển HS có chất lượng để không làm tăng tỷ lệ HS nghỉ, bỏ học sau THCS”.

Không chỉ TP.HCM mà đây là thực trạng chung của cả nước. Ông Nghĩa phân tích: “Phân luồng, hướng nghiệp cho HS sau trung học đến nay vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Năm học 2010-2011 chỉ có 1,8% HS tốt nghiệp THCS vào học TCCN, năm 2011-2012 là 2%. Trong khi đó, tỷ lệ tuyển sinh vào ĐH, CĐ tăng thường xuyên làm cho tỷ lệ HS sau trung học lên ĐH ngày càng cao. So với các nước đã qua thời kỳ công nghiệp hóa, cơ cấu nguồn nhân lực có tỷ lệ kỹ sư/TCCN/công nhân kỹ thuật vào khoảng 1/4/10 thì ở nước ta là 1/0,43/0,56 (năm 2012)”.

Nguyên nhân chính của thực trạng này là phụ huynh vẫn chưa nhận thức sâu sắc được rằng thị trường lao động đang cần rất nhiều nhân lực có tay nghề. Xã hội càng hiện đại thì khoảng cách bằng cấp càng rút ngắn, quan trọng là người lao động có tay nghề và kỹ năng hay không?

Nhiều chuyên gia đã khẳng định, học nghề vẫn thành công, vẫn có lương cao, thậm chí là cao hơn các cử nhân, kỹ sư. Hiện một số sinh viên tốt nghiệp ĐH đã phải giấu bằng cử nhân vào xó tủ để đi học nghề ở các trường TC.

Vậy thì tại sao, ngay từ khi còn học THCS biết lực học văn hóa có giới hạn các em lại không chọn học nghề. Nhất là khi Nhà nước có nhiều ưu ái, đó là Luật GDNN có hiệu lực vào năm ngoái…

Dương Bình

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)