Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hướng học sinh vào trường nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Vì điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc năng lực học tập yếu, nhiều học sinh ở các trường THPT ngoại thành TP.HCM không theo kịp chương trình học nên đành “đứt gánh giữa đường”…

Tuy nhiên, với phương châm không để học sinh ngoài nhà trường, ban giám hiệu và giáo viên các trường THPT đã tư vấn hướng đi mới cho học sinh để các em tiếp tục theo đuổi việc học ở các trường nghề hoặc trung tâm GDTX.

Học sinh nghỉ học đã giảm

Theo nhiều giáo viên, học sinh nghỉ học đa số tập trung ở khối 10 vì các em có năng lực yếu không thể theo kịp chương trình THPT, nhưng tình trạng này hiện đã giảm đáng kể khi ngành giáo dục bỏ hình thức xét tuyển vào lớp 10. Thầy Lê Hữu Huân, Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) cho biết: “Chương trình học ở bậc THPT nặng hơn bậc THCS, do đó các em phải chủ động thay đổi phương pháp học nếu không sẽ khó theo kịp chương trình. Trong khi đó, chất lượng đầu vào của những trường vùng sâu, vùng xa như trường chúng tôi lại rất thấp, điểm chuẩn vào lớp 10 có khi chỉ 13 điểm nên một số em nghỉ học giữa chừng vì không theo kịp chương trình. Tuy nhiên, khi Sở GD-ĐT TP.HCM bỏ hình thức xét tuyển trong năm học trước, nhà trường cũng đã hạn chế được tỷ lệ học sinh nghỉ học; bởi lúc đăng ký thi tuyển các em đã có sự lựa chọn trước, tức là những em có học lực yếu phải chọn con đường khác. Theo thống kê, những năm áp dụng hình thức xét tuyển, học sinh nghỉ học giữa chừng có thời điểm lên đến hơn 10%, nhưng từ khi áp dụng thi tuyển như năm học vừa qua, trường chỉ có 4,6% học sinh nghỉ học (29 em nghỉ trong tổng số 715 em)”.

Học sinh một trường nghề đang thực hành môn vi tính. Ảnh: M.T

Đồng tình với ý kiến này, thầy Nguyễn Văn Chặng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung Phú (huyện Củ Chi) khẳng định: “Tất cả học sinh vượt qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 có sức học tương đối khá hơn những học sinh xét tuyển trước đây. Từ đó các em sớm tiếp cận được chương trình nên tình trạng nghỉ học giảm hơn so với những năm trước”. Được biết, năm học 2014-2015, số học sinh nghỉ học ở Trường THPT Trung Phú chỉ có 26 em, trong khi năm học 2013-2014 là 123 em (trong đó học sinh lớp 10 có 101 em nghỉ học). Tương tự, năm học 2014-2015, Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh) có 850 học sinh thì có gần 30 em (chiếm khoảng 4%) nghỉ học với nhiều lý do như di chuyển chỗ ở, theo không kịp chương trình…”.

Bên cạnh những lý do trên, có một thực trạng cần phải nhìn nhận là phụ huynh vẫn muốn chạy theo bằng cấp, cố cho con vào lớp 10 dù trường ở xa địa bàn gia đình sinh sống. “Đầu năm học trước toàn Trường THPT Nguyễn Văn Tăng có 870 học sinh, đến cuối năm học thì có 40 em xin được nghỉ học, trong đó chủ yếu là học sinh lớp 10. Đa số những em nghỉ học thường không cư trú ở Q.9 mà ngụ ở các quận khác như: Thủ Đức, Bình Thạnh… trúng tuyển nguyện vọng 2, 3, sau một thời gian đi học xa nhà, lại không theo kịp chương trình nên nghỉ học”, thầy Phạm Quang Ái, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.

Định hướng vào trường nghề

Đối với những học sinh có nguy cơ nghỉ học giữa chừng, ngay từ đầu năm học các trường đã tổ chức phụ đạo miễn phí cho các em. Tuy nhiên, có một số học sinh vẫn không thể theo nổi chương trình nên nhà trường phải định hướng cho các em vào trường nghề hoặc trung tâm GDTX.

Thầy Nguyễn Văn Chặng cho hay: “Đa số giáo viên ở trường còn trẻ nên thầy cô rất nhiệt tình, tâm huyết. Nếu học sinh có nguy cơ bỏ học vì gia đình khó khăn,  thầy cô sẽ đến nhà tìm hiểu kỹ để nhà trường có chế độ miễn giảm, cấp học bổng cho các em. Còn với những học sinh có học lực yếu, thầy cô sẽ kèm cặp, phụ đạo thêm. Tuy nhiên, một số em vẫn không theo kịp chương trình THPT, vì vậy nhà trường định hướng các em vào trường nghề hoặc trung tâm GDTX. Đồng thời, nhà trường gửi danh sách học sinh nghỉ học về địa phương nơi cư trú để chính quyền địa phương tiếp tục theo sát các em. Theo chúng tôi biết, đa số các em đều vào trường nghề”.

Hiện hầu hết các quận/huyện đều có những chính sách riêng cho học sinh sau THCS học nghề (ngoài những chính sách chung của Nhà nước). Ngay cả huyện Cần Giờ tuy không có trường nghề nào nhưng UBND huyện cũng nỗ lực cùng Phòng GD-ĐT tổ chức hỗ trợ cho học sinh học nghề. Thầy Lê Hữu Huân phấn khởi: “UBND huyện Cần Giờ có một số chương trình thiết thực nhằm tích cực hỗ trợ học sinh học nghề như hỗ trợ chỗ ở, tiền sinh hoạt… Vì vậy, khi học sinh nghỉ học, nhà trường đã giới thiệu những chương trình này để phụ huynh tham khảo, qua đó có những định hướng đúng đắn, kịp thời cho con em”.

Nếu không thích học nghề, các em có thể đăng ký học tại trung tâm GDTX để tiếp tục con đường học vấn. “Học ở trung tâm GDTX có thuận lợi là số môn ít, tính cạnh tranh về năng lực học tập không bằng ở trường phổ thông nên nhiều em đã chuyển qua học hệ này để có thời gian ôn tập thêm”, thầy Nguyễn Văn Chặng nói.

Dương Bình

“UBND huyện Cần Giờ có một số chương trình thiết thực nhằm tích cực hỗ trợ học sinh học nghề như hỗ trợ chỗ ở, tiền sinh hoạt… Vì vậy, khi học sinh nghỉ học, nhà trường đã giới thiệu những chương trình này đến phụ huynh tham khảo, qua đó có những định hướng đúng đắn, kịp thời cho con em”, thầy Lê Hữu Huân nói.

 

Bình luận (0)