Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hướng nghề cho học sinh sau THCS

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Phú (Q.11) tư vấn cho phụ huynh học sinh lớp 9
Thời điểm này các trường THCS trên địa bàn TP.HCM đang đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh vào lớp 10 THPT cho học sinh lớp 9. Bên cạnh đó các trường cũng đặc biệt quan tâm đến việc hướng những em có năng lực học tập chưa tốt vào trường nghề.
Thi để… thử sức
Trường THCS Nguyễn Văn Phú là trường khá nổi bật ở Q.11 nhưng không phải vì thế mà giáo viên hướng 100% học sinh vào lớp 10 THPT. Theo đó, Ban Giám hiệu nhà trường cùng các giáo viên chủ nhiệm đã dành nhiều tâm huyết, thời gian để tư vấn cho một số học sinh đi thẳng vào trường nghề. Thầy Đặng Ngọc Quang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Quả thật, hiện vẫn có nhiều trường hợp học sinh không đủ khả năng học lên bậc THPT nhưng phụ huynh quá kỳ vọng vào con cái, ép các em phải dồn hết sức vào học tập, học thêm hết nơi này đến nơi kia để vào lớp 10 THPT cho bằng được. Tuy nhiên, khi lên lớp 10, các em cảm thấy chán nản, đuối sức vì không theo kịp các bạn cùng lớp nên nghỉ học. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công sức, tiền bạc, thời gian của bản thân các em và gia đình mà còn ảnh hưởng đến việc phổ cập giáo dục. Bởi vậy, những năm gần đây, ngoài tư vấn chung cho các em học sinh chọn trường thi vào lớp 10 thì Ban Giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm đều dành nhiều thời gian để tư vấn riêng cho từng phụ huynh có con em nằm trong trường hợp này”. Được biết, hằng năm Trường THCS Nguyễn Văn Phú đều tư vấn thành công cho một số HS chọn thẳng trường nghề chứ không thi vào lớp 10 THPT.
Trong khi đó Trường THCS Chu Văn An (Q.1) đang chuẩn bị kế hoạch tư vấn kỹ cho từng học sinh lớp 9 trong tuần này. Theo đó, cũng như nhiều trường khác, việc tư vấn phân luồng được nhà trường rất chú trọng. “Những năm gần đây, mỗi năm nhà trường có khoảng 5-10 học sinh chọn thẳng vào trường nghề, một số em có làm hồ sơ thi lớp 10 THPT nhưng chỉ là để thử sức mình, còn nếu rớt thì các em đã được “dọn sẵn” một trường nghề mà các em cảm thấy phù hợp với sở thích của mình”, cô Hồ Thị Ngọc Thảo, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.
Nhiều điểm mới có lợi cho học sinh
“Nếu các em không qua đào tạo nghề thì dù học xong lớp 12 cũng chỉ là lao động phổ thông với mức lương rất thấp”, ông Lê Dũng, Trưởng khoa CĐ thực hành Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nói.
Theo nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh, không phải cứ vào ĐH là thành công mà học sinh còn có nhiều sự lựa chọn khác ở các bậc học thấp hơn. Tuy nhiên, nhất thiết các em phải được đào tạo nghề thì mới đứng vững trong xu thế hội nhập hiện nay, đặc biệt là khi mở rộng thị trường lao động ở khối ASEAN.
Ông Lê Dũng, Trưởng khoa CĐ thực hành Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, khẳng định: “Nếu các em không qua đào tạo nghề thì dù học xong lớp 12 cũng chỉ là lao động phổ thông với mức lương rất thấp. Vì thế muốn có một công việc vững chắc với mức lương tốt thì các em cần phải có tay nghề thông qua việc học hỏi ở các trường TC, CĐ, ĐH”.
Việc Bộ GD-ĐT thông báo một số điều chỉnh trong quy định liên thông là một điểm có lợi cho nhà trường cũng như học sinh. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Mới đây, Bộ GD-ĐT đã chỉnh sửa một số điều trong quy định liên thông, trong đó học sinh học xong TC, CĐ không phải chờ 36 tháng để được liên thông lên bậc cao hơn nên sẽ rút ngắn được con đường vòng vào ĐH cho các em học nghề”.
Ngoài ra, ngày 1-7 tới Luật Giáo dục nghề nghiệp chính thức có hiệu lực sẽ có nhiều điểm mới thuận lợi cho học sinh chọn trường nghề. Theo đó, thời gian đào tạo TC đối với học sinh có bằng THCS được rút ngắn chỉ còn từ 1-2 năm. Ngoài ra, sau THCS, học sinh còn được miễn hoàn toàn học phí thay cho 50% như trước đây…
Bài, ảnh: Dương Bình
 
Không phải cứ học yếu là vào trường nghề
Thầy Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (Q.Bình Thạnh), cho biết: Mặc dù cách nhìn của phụ huynh về trường nghề đã có sự khởi sắc nhưng tâm lý chung là vẫn mong muốn cho con em lên lớp 10 THPT và các bậc học cao hơn. Vì thế, họ cho các em thi để thử sức, nếu may mắn thi đỗ thì sẽ học tiếp, còn rớt sẽ vào trường nghề theo sự tư vấn của nhà trường. Tuy nhiên, ở trường chúng tôi có một số học sinh đã nhận thức rất rõ năng khiếu của mình nên chọn ngay vào trường nghề dù năng lực của các em có thể vào được lớp 10 THPT. Vì thế, tôi nghĩ các giáo viên chủ nhiệm cần theo sát học sinh để nắm bắt được năng lực tư duy, năng khiếu để có kế hoạch tư vấn kỹ các em chứ không phải cứ học yếu là mới vào trường nghề. 
 
 

Bình luận (0)