Chọn lựa nghề nghiệp là một hành trình theo suốt cuộc đời của mỗi người, làm thế nào để chọn được ngành nghề phù hợp, phát huy giá trị tài năng, thỏa mãn đam mê và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động là điều mà học sinh, thầy cô giáo, phụ huynh… đặc biệt quan tâm hiện nay.
Theo các chuyên gia, hoạt động hướng nghiệp ở bậc THPT càng sớm càng tốt. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trao đổi với chuyên gia về năng lực bản thân trong lựa chọn ngành nghề
Việc tư vấn, định hướng chọn nghề nghiệp cho học sinh rất quan trọng, nó góp phần quyết định sự thành bại của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế công tác hướng nghiệp cho học sinh hiện nay chủ yếu vẫn còn ở phần ngọn, chưa sâu rộng và đồng bộ; thậm chí có địa phương, học sinh học đến lớp 12 vẫn chưa một lần tiếp cận thông tin về ngành nghề. Một bộ phận khác các em lại không chú trọng đến hướng nghiệp chọn ngành nghề mà chỉ cốt là đậu ĐH, dẫn đến chọn sai ngành nghề và kéo theo hệ lụy là chuyển ngành học, bỏ học, khó kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường, thậm chí bị đào thải khi tham gia thị trường lao động…
Theo ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM), việc tiếp cận với những thông tin hướng nghiệp một cách bài bản sẽ là tiền đề để giúp học sinh chọn được ngành nghề phù hợp. Bởi để chọn ngành nghề hợp lý, trước hết mỗi học sinh phải chủ động tìm hiểu ngành nghề, phải nhận diện và hiểu được bản thân mình có được tài năng, năng lực và khả năng gì. Học sinh có thể tham khảo một số công cụ như: trắc nghiệm Holland, trắc nghiệm MBTI, tham chiếu từ ba mẹ, anh chị, thầy cô, bạn bè, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp và từ những người đang trực tiếp làm trong lĩnh vực ngành nghề mà mình muốn chọn. Kế đó, mỗi học sinh cần xác định đúng niềm đam mê, yêu thích của bản thân đối với ngành nghề sẽ chọn. Chính thái độ, tình cảm của bản thân sẽ là “cú hích” để giúp các em vượt qua những thử thách. Một lưu ý nữa khi lựa chọn ngành nghề, theo ThS. Nguyên, các em học sinh cần tìm hiểu kỹ về nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, bởi sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến kết quả sau khi tốt nghiệp ra trường. “Thực tế, không có ngành nghề nào “hot” chỉ có con người “hot” trong ngành nghề đó mà thôi. Vì vậy, mỗi học sinh cần nhìn nhận khách quan cả những “hào quang” và “khoảng lặng” của ngành nghề mà mình dự định chọn. Chọn đúng ngành nghề phù hợp là bệ phóng cho tài năng phát triển và thành công trong tương lai”, ThS. Nguyên nhấn mạnh.
Nhìn ở góc độ nhu cầu nhân lực và thị trường lao động trong câu chuyện hướng nghiệp sớm, ông Trần Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) đánh giá, nếu những kiến thức hướng nghiệp được học sinh THPT tiếp cận sớm, tiếp cận có bài bản và khoa học thì sẽ tác động rất lớn đến thị trường lao động sau này. “Việc hướng nghiệp sớm sẽ tạo cho học sinh, nhất là học sinh từ lớp 10 biết suy nghĩ về trách nhiệm bản thân trong vấn đề chọn ngành nghề. Hiểu về thế giới nghề nghiệp, hệ thống đào tạo ngành nghề, nhu cầu ngành nghề trong thị trường hội nhập, nhìn nhận được sự chuyển hóa lao động ngành nghề trong tương lai. Bởi hệ thống các trường đào tạo rất rộng lớn, có sự dịch chuyển hàng năm. Nhất là hướng nghiệp sớm sẽ tác động đến học sinh, phụ huynh thay đổi quan điểm về bằng cấp, không phải bằng mọi cách phải vào ĐH. Còn nếu đợi đến lớp 12 mới hướng nghiệp thì quá chậm”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả tốt thì không thể làm một lần mà phải thực hiện xuyên suốt, phải nhắc lại nhiều lần để tác động đến nhận thức, suy nghĩ và hành động của học sinh, phụ huynh.
Ngày mai (21-9), tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1), Báo Giáo dục TP.HCM sẽ khai mạc chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020. Với đội ngũ chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm từ các trường ĐH, chương trình không chỉ cung cấp cho học sinh những thông tin về ngành nghề đào tạo, xu hướng phát triển của ngành nghề trong kỷ nguyên 4.0… mà còn giúp các em gỡ rối những vấn đề tâm lý, băn khoăn giữa đam mê, sở thích, năng lực để lựa chọn ngành nghề phù hợp. |
Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, thực tế có một tỷ lệ học sinh hiện nay lựa chọn ngành nghề không dựa trên hiểu biết của bản thân và sở thích đam mê mà lựa chọn ngành nghề theo kiểu “không biết chọn gì”, theo xu hướng của xã hội, bạn bè, gia đình mà hoàn toàn không hiểu được rằng, ngành nghề đó sau này sẽ làm gì và bản thân có phù hợp hay không. Rất nhiều sinh viên khi học ngành quản trị kinh doanh nhưng lại không hình dung học ngành này ra có thể làm những công việc cụ thể nào, không thể gọi tên được công việc mà mình sẽ làm. Nhiều trường hợp sinh viên học đến năm 2, năm 3 mới thấy mình không hợp, chán nản trong việc học, không đủ sức để vượt qua khó khăn, dẫn đến lỡ dở việc học. “Khi học sinh được định hướng về hoạt động hướng nghiệp thì sẽ biết chính xác năng lực học tập của mình đang ở đâu, hợp với ngành nghề nào, bậc học nào. Như vậy, các em sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với những công việc trong tương lai mà mình mơ ước. Kế đó, khi có những kiến thức hướng nghiệp, đã biết chính xác mình cần làm gì, đi về đâu thì mỗi học sinh sẽ thấy tự tin hơn trong việc học tập hiện tại của mình, giảm bớt áp lực trong việc học tập, thi cử”, bà Thảo khẳng định.
Bà Thảo cho biết thêm, khi có những kiến thức hướng nghiệp sớm, việc chia sẻ với gia đình, thống nhất trong lựa chọn ngành nghề cũng sẽ thuận lợi hơn. Có nghĩa là khi học sinh hiểu được về bản thân, hiểu về ngành nghề thì các em sẽ dễ dàng cởi bỏ những nút thắt trong mâu thuẫn lựa chọn ngành nghề với ba mẹ, tránh được những trường hợp chọn ngành nghề theo mong muốn của ba mẹ, hay chọn bừa…
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)