Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Hướng nghiệp cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều thanh thiếu niên thuộc đối tượng học nghề miễn phí nhưng chưa được tiếp cận vì hiểu biết của bản thân về chính sách này còn hạn chế. Đó là nhận định của các chuyên gia trong Ngày hội hướng nghiệp cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt năm 2017 do Trung tâm Công tác xã hội trẻ em (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) tổ chức tại Q.Tân Phú sáng 18-3.

Học viên Trung tâm GDTX Q.Tân Phú tìm hiểu về nghề pha chế tại ngày hội hướng nghiệp

Ngày hội có khoảng 1.000 thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Q.Tân Phú và các địa phương lân cận cùng 20 cơ sở đào tạo, giải quyết việc làm tham gia. Tại đây, ông Nguyễn Văn Tính (Phó phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết, Nghị định 68/2015/NĐ-CP về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 quy định cụ thể các đối tượng miễn, giảm học phí học nghề nhưng thực tế số người được tiếp cận không nhiều. Từ đó, ông Tính lưu ý: “Phòng LĐ-TB&XH các địa phương phải quan tâm, tạo mọi điều kiện để đối tượng này được học nghề, giảm gánh nặng chi phí và có việc làm ổn định”.

Trước thực trạng này, ông Phạm Đình Nghinh (Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM) cho rằng cần có định hướng và thông tin nghề nghiệp cụ thể đến từng đối tượng thụ hưởng. Ngày hội hướng nghiệp dành cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt cũng nhằm vào mục đích tạo điều kiện để đối tượng này có một nghề và việc làm phù hợp với năng lực, sở thích. Đây là một trong những hoạt động của Dự án hỗ trợ phát triển gia đình của Tổ chức Trẻ em và Phát triển E&D đã triển khai tại một số địa phương tại TP.HCM.

Bà Đỗ Thị Bích Phượng (đại diện Tổ chức Trẻ em và Phát triển E&D) cho biết dự án hỗ trợ phát triển gia đình đã triển khai tại Q.8 từ năm 2011, tuy nhiên lúc bấy giờ chương trình chưa phù hợp khiến số người thụ hưởng còn thấp. Hiện nay đã có phòng tham vấn gia đình đặt tại địa phương. Theo đó, nhân viên xã hội sẽ thông tin nghề nghiệp đến cho thanh thiếu niên có nhu cầu. “Đến nay, dự án có gần 600 em được đồng hành hướng nghiệp và giải quyết việc làm, tỷ lệ trẻ bỏ học giảm xuống 15%”, bà Phượng thông tin.

Ông Lưu Thanh Tòng (Giám đốc Trung tâm GDTX Q.Tân Phú) chia sẻ: “Trung tâm mong muốn cung cấp những kiến thức cơ bản cho học viên để các em có cơ hội khám phá và lựa chọn được một ngành nghề mà sau này có thể nuôi sống được bản thân”.

Theo nhận định của đại diện các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, một trong những mô hình hỗ trợ đào tạo nghề hiệu quả nhất dành cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt là mô hình đào tạo kép, với 50% thời gian học tại trường và 50% thực hành tại doanh nghiệp. Với mô hình này, thanh thiếu niên có cơ hội tìm hiểu, từ đó định hướng cho bản thân học đúng nghề, làm đúng việc. Đại diện Trường TC Nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương cho biết mô hình đào tạo kép này triển khai năm 2015 tại trường với ngành điện lạnh. Nguồn nhân lực ngành này không thiếu để có thể tìm ngay việc làm và lương phù hợp. Mô hình này thành công cần 3 đối tác: trường học, doanh nghiệp và người học. “Với nghề kỹ thuật lạnh dân dụng, có 11 học viên tham gia (9 em đã tốt nghiệp, 2 em bỏ học); trong đó 7 em có việc làm với mức lương từ 4,5 đến 8 triệu đồng/tháng. Hai học viên chưa có việc làm vì chưa đủ tuổi lao động”, đại diện Trường TC Nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương cho hay.

Theo mô hình đào tạo kép, học viên tiếp cận trang thiết bị hiện đại, tự tin ngay khi tốt nghiệp, rút ngắn thời gian đào tạo, không phải đào tạo lại. Đặc biệt, học viên được thực tập trên đa dạng thiết bị, không cần thời gian tập sự và đã hưởng lương khi đang học. Về phía nhà trường có cơ hội tiếp cận doanh nghiệp, mở rộng mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo kép… Riêng doanh nghiệp có cơ hội đào tạo nhân sự theo yêu cầu, dễ dàng tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng, giảm thời gian đào tạo lại. Tuy nhiên, đào tạo kép đòi hỏi người thầy có nhiều kinh nghiệm và thời gian, cần điều chỉnh chương trình đào tạo, doanh nghiệp phải chịu hợp tác.

Từ kết quả này, các cơ sở đào tạo mong muốn cùng doanh nghiệp áp dụng mô hình đào tạo kép cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt không chỉ tại TP.HCM mà còn ở các địa phương trên cả nước trong thời gian tới.

Trần An

Bình luận (0)